Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Các khoản trợ cấp, phụ cấp không tính vào khoản đóng bảo hiểm xã hội?

Các khoản trợ cấp, phụ cấp không tính vào khoản đóng bảo hiểm xã hội?

Tôi làm việc tại Công ty Cổ phần CF với mức lương được nhận là 20 triệu đồng/tháng, trong đó mức lương cơ bản là 14 triệu, còn lại là các khoản trợ cấp, phụ cấp. Tôi không được Công ty đóng toàn bộ tiền Bảo hiểm xã hội mà phải trích một khoản tiền để đóng một phần và phần còn lại Công ty sẽ đóng. Tôi muốn hỏi Công ty FDVN rằng tiền bảo hiểm xã hội của tôi có phải đóng trên mức 20 triệu này không? Mong Quý công ty tư vấn. Tôi xin cảm ơn.

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

 [1]. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc?

Theo quy định tại Khoản 2.1 và 2.2 Điều 6  của Quyết định 595/QĐ-BHXH  thì:

 2.1. Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

Phụ cấp lương theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

2.2. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Mà Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:

“1.  Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

  1. Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
    a) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.”

Và điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH cũng quy định:

Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.”

Như vậy, dẫn chiếu theo các quy định trên thì Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định bao gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

[2]. Tiền lương tháng không bắt buộc đóng BHXH?

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và  Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao các khoản chế độ và phúc lợi khác như:

  • Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động đó là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động;
  • Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
  • Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Từ những phân tích và dẫn chiếu ở trên thì Anh/Chị và Công ty Anh/Chị sẽ không đóng Bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương 20 triệu/tháng mà phải căn cứ vào các khoản tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm và không bao gồm mà FDVN đã trích dẫn ở trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

                                              Theo CVPL: Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc

Luật sư tại Quảng Ngãi

359 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan