Feel free to go with the truth

Trang chủ / Doanh nghiệp / Các chế độ bảo hiểm bắt buộc dành cho người lao động

Các chế độ bảo hiểm bắt buộc dành cho người lao động

Chế độ phúc lợi là các chế độ mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định pháp luật hoặc dựa vào chính sách riêng dành cho người lao động. Theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động được hưởng 05 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chế độ ốm đau; Chế độ thai sản; Trợ cấp thất nghiệp; Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ hưu trí; chế độ tử tuất.

1. CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU

1.1. Điều kiện hưởng

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 59 /2015/TT-BLĐTBXH[1], NLĐ được hưởng chế độ ốm đau nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động (TNLĐ) hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

– NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc cho con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

– NLĐ nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp vừa nêu trên.

Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp:

– NLĐ bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP

– NLĐ nghỉ việc điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN

– NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải là TNLĐ trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

1.2. Thời gian, tần suất hưởng, mức hưởng đối với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường

– Thời gian, tần suất hưởng [2]

+ Tối đa 30 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

+ Tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

+ Tối đa 60 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

– Mức hưởng [3]

Mức hưởng chế độ ốm đau

=

Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày

x    75 (%)

x

số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau

Trong đó: Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

1.3. Ốm dài ngày.

Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hiện đang được quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT, ngày 30/12/2016.

– Thời gian, tần suất hưởng[4]

Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

– Mức hưởng [5]

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày

=

Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc

x

Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%)

x

Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trong đó:

– “Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau” là:

+ 75% đối với thời gian hưởng chế độ ốm đau của NLĐ trong 180 ngày đầu.

Sau khi hưởng hết thời gian 180 ngày mà NLĐ vẫn tiếp tục điều trị thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo được tính như sau:

+ Bằng 65% nếu NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;

+ Bằng 55% nếu NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

+ Bằng 50% nếu NLĐ đã đóng BHXH < 15 năm.

– “Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau” được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề.

Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì cách tính mức hưởng chế độ ốm đau cho những ngày này như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

+ “Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau” được tính như quy định như trên.

+ “Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau” tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

1.4. Có con ốm

– Thời gian, tần suất hưởng [6]

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong 1 năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con:

 Tối đa 20 ngày làm việc/năm nếu con dưới 3 tuổi

– Tối đa 15 ngày làm việc/năm nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

– Mức hưởng [7]

Mức hưởng chế độ khi con ốm đau

=

Tiền lương đóng BHXH/24 ngày

x

75 (%)

x

Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

2. CHẾ ĐỘ THAI SẢN

2.1. Điều kiện hưởng

Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

– Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Lao động nữ mang thai;

(2) Lao động nữ sinh con;

(3) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

(4) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

(5) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

(6) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Người lao động tại trường hợp (2), (3), (4) phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Người lao động tại trường hợp (2) đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 Luật BHXH 2014 mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014.

2.2. Thời gian, tần suất hưởng, mức hưởng

(i) Chế độ thai sản khi khám thai

– Thời gian hưởng: Điều 32 Luật BHXH 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:

– Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày;

Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 3 Luật BHXH 2014 tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

– Mức hưởng [8]

Mức hưởng = (Mbq6t x 100% )

Trong đó

Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Trường hợp lao động nữ hưởng chế độ khi khám thai đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi khám thai được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Từ quy định trên thì công thức tính tiền thai sản khi khám thai như sau:

Mức hưởng (Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng BHXH)  = Số ngày nghỉ  x   (100% mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH trước khi nghỉ khám thai / 24)

(ii) Chế độ thai sản khi sẩy thai

– Thời gian hưởng:

Căn cứ Điều 33 Luật BHXH 2014 quy định khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

– 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

– 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

– 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

– 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

– Mức hưởng [9]

Mức hưởng = (Mbq6t x 100% )

Trong đó

Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Trường hợp lao động nữ hưởng chế độ khi sảy thai đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi khám thai được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Từ quy định trên thì công thức tính tiền thai sản khi sảy thai như sau:

Mức hưởng (Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng BHXH) = Số ngày nghỉ  x   (100% mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH trước khi nghỉ do sảy thai / 24)

(iii) Chế độ thai sản khi sinh con

– Thời gian hưởng:

Tại Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:

– Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

+ 05 ngày làm việc;

+ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

+ Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

+ Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

– Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;

Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014;

Thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

– Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014.

Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 Luật BHXH 2014 mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

– Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014.

– Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 34 Luật BHXH 2014 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

– Mức hưởng:

+ Mức trợ cấp một lần [10]

Mức hưởng = 02 x mức lương cơ sở tại tháng sinh con theo quy định pháp luật.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con như công thức trên.

+ Mức trợ cấp theo tháng [11]

Mức hưởng = (Mbq6t x 100% )

Trong đó

Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Trường hợp lao động nữ hưởng chế độ khi sinh con đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi sinh con được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Từ quy định trên thì công thức tính tiền thai sản khi sinh con như sau:

Mức hưởng Số ngày nghỉ  x   (100% mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH trước khi nghỉ sinh con / 24)

(iv) Chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi

– Thời gian hưởng

Tại Điều 36 Luật BHXH 2014 Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi như sau:

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH 2014 thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

– Mức hưởng [12]

Mức hưởng = (Mbq6t x 100%)

Trong đó

Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Trường hợp lao động nữ hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Từ quy định trên thì công thức tính tiền thai sản khi nhận nuôi con nuôi như sau:

Mức hưởng Số ngày nghỉ  x   (100% mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH trước khi nghỉ nhận nuôi con nuôi / 24).

(v) Chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai

– Thời gian hưởng

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai quy định tại Điều 37 Luật BHXH 2014 như sau:

– Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

+ 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

+ 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật BHXH 2014 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Mức hưởng

Mức hưởng = (Mbq6t x 100%)

Trong đó: Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Trường hợp lao động nữ hưởng chế độ khi sử dụng biện pháp tránh thai đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi sử dụng biện pháp tránh thai được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Từ quy định trên thì công thức tính tiền thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai  như sau:

Mức hưởng (Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng BHXH) = Số ngày nghỉ  x   (100% mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH trước khi nghỉ thực hiện biện pháp tránh thai / 24).

(vi). Chế độ dưỡng sức sau sinh

– Thời gian hưởng

Thời gian hưởng chế độ thai sản dưỡng sức sau sinh theo khoản 1 và khoản 2 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

+ Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

+ Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

+ Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

+ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

+ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

+ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

– Mức hưởng[13]

Tiền dưỡng sức sau sinh = Số ngày nghỉ dưỡng sức * 30% * Mức lương cơ sở tại thời điểm dưỡng sức sau sinh.

3. CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

3.1. Điều kiện hưởng

– Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động [14]

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (trường hợp này yêu cầu văn bản theo yêu cầu từ đơn vị)

+ Trên tuyến đường đi từ nơi làm về nhà và về từ nhà đến nơi làm việc. Việc di chuyển phải được thực hiện trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

– NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên bị tai nạn

Tuy nhiên, NLĐ sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Bị tai nạn do mâu thuẫn giữa người bị tai nạn lao động và người gây ra tai nạn, không liên quan đến việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động theo quy định.

– NLĐ cố tình, cố ý hủy hoại bản thân

– Do NLĐ sử dụng các chất kích thích, chất ma túy, chất gây nghiện theo quy định của pháp luật.

– Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp [15]

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

– Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại

– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh

3.2. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

(i)  Mức hỗ trợ từ doanh nghiệp/người sử dụng lao động:

Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị bệnh Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

(1) Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp;

(2) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị bệnh nghề nghiệp như sau:

– Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

– Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

– Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

(3) Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

(4) Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

– Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

(5) Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

(6) Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

(7) Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

(8) Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

(9) Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

(10) Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Đồng thời, tại Điều 39 Luật An toàn vệ sinh, lao động 2015 như sau: Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

Lưu ý: Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, trả lương cho người lao động là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

(ii) Mức trợ cấp từ BHXH

Trợ cấp một lần:

Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

– Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

– Ngoài mức trợ cấp vừa nêu, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động:

+ Từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng;

+ Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;

Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Trợ cấp hằng tháng

Căn cứ Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015,người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định nêu trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;

Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật. (Điều 51 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

Trợ cấp phục vụ

Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;

– Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;

– Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định dưới đây nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

– Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

– Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;

– Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động

– Trường hợp người bị tai nạn lao động được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.

– Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

4. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

4.1. Điều kiện hưởng

Căn cứ Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động, và khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi theo quy định.

Theo đó, vào năm 2023 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường: nam sẽ là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi.

4.2. Mức hưởng chế độ hưu trí

1. Mức hưởng chế độ hưu trí theo tháng

Căn cứ Điều 56 và Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu của người lao động được xác định theo công thức chung sau đây:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức hưởng lương hưu được xác định cụ thể:

Với lao động nam:

– Lao động nam đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45% (Người lao động nghỉ hưu năm 2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%)

– Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.

– Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng có thể lên mức tối đa là 75% (tương đương với 30 năm).

Với lao động nữ:

– Lao động nữ đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%.

– Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.

– Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.

(ii) Mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần

Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được xác định theo công thức:

Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014)

Trong đó:

– Thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 1 – 6 tháng được tính là nửa năm, từ 7 – 11 tháng được tính là một năm.

Trường hợp tính đến trước 01/01/2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/2014 trở đi.

– Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:

Mbqtl = (Số tháng đóng bảo hiểm xã hội x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội x Mức điều chỉnh hàng năm) : Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội.

5. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

5.1. Điều kiện hưởng

(i) Trợ cấp mai táng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động chết, người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng.

Cũng theo quy định này, không phải người lao động nào chết thì người lo mai táng cũng được nhận trợ cấp mai táng mà trợ cấp mai táng chỉ áp dụng với:

– Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên;

– Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc.

Lưu ý: Những lao động nêu trên bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

(ii) Trợ cấp tuất hàng tháng

Theo khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ngoài việc đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng thì người lao động còn phải thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì thân nhân mới được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Cụ thể:

– Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần:

– Đang hưởng lương hưu;

– Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

(iii) Trợ cấp tuất một lần

Tương tự trợ cấp tuất hàng tháng, khoản 1 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần khi người lao động thuộc một trong các trường hợp:

– Người lao động chết không thuộc các trường hợp để thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;

– Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng nhưng lại không có thân nhân đủ điều kiện hưởng;

– Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất 1 lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

– Người lao động chết mà không có thân nhân (con đẻ, con nuôi, vợ/chồng, cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi, cha vợ/chồng, mẹ vợ/chồng hoặc thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng) thì trợ cấp tuất 1 lần được thực hiện theo pháp luật thừa kế.

5.2. Mức hưởng

(i) Mức hưởng trợ cấp mai táng [16]

Trợ cấp mai táng = 10 lần x Mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.

(ii) Mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng

Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nêu:

Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Lưu ý:

– Một người lao động chết thì tối đa 04 thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Trường hợp có 02 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp nêu trên.

– Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được thực hiện từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết. Trường hợp khi bố chết mà mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của con tính từ tháng con được sinh ra.

(iii) Mức hưởng trợ cấp tuất một lần

Mức trợ cấp tuất 1 lần được quy định tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

* Đối với thân nhân của người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:

Mức trợ cấp tuất 1 lần = 1,5 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH trước 2014 + 2 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH sau 2014

Lưu ý:

– Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

– Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 – 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 – 11 tháng được tính là 01 năm. Trường hợp tính đến trước 01/01/2014, nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn từ 01/01/2014.

* Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:

Mức trợ cấp tuất 1 lần

=

48 x Lương hưu

0,5 x (Số tháng đã hưởng lương hưu – 2) x Lương hưu

Lưu ý: Mức trợ cấp tuất 1 lần thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

6. TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

6.1. Điều kiện hưởng

Quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, điều kiện đẻ NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội như sau:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Chết.

6.1. Thời gian hưởng, mức hưởng

(i) Thời gian hưởng

Căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:

– Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

– Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

(ii) Mức hưởng [17]

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng

=

Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%

Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định.

Ngoài những chế độ bảo hiểm bắt buộc mà pháp luật quy định, tuỳ thuộc vào khả năng và chính sách riêng của từng doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tự chi các khoản chi phí phúc lợi khác cho người lao động.

Theo Thanh Trà – Công ty Luật FDVN

[1] Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

[2] Điểm a Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Khoản 1 Điều 4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

[3] Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[4] Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[5] Khoản1,2 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

[6] Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[7] Khoản1 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

[8] Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[9] Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[10] Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[11] Điểm c, Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[12] Điểm c Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[13] Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[14] Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

[15] Điều 46 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

[16] Khoản 2 Điều  66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[17] Khoản 1 Điều 50 Luật việc làm năm 2013.

—————————–

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan