Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Cá nhân muốn họp báo phải làm gì?

Cá nhân muốn họp báo phải làm gì?

 Tôi là ca sĩ chưa nổi tiếng, mới đây vừa ra mắt bài hát mới, quản lý của tôi muốn tổ chức họp báo công bố hình ảnh. Tuy nhiên, chúng tôi không biết ca sĩ không tên tuổi như tôi có thể tổ chức họp báo không? Làm thế nào để tôi mở họp báo? Chân thành nhờ Quý công ty tư vấn cho tôi.

Cảm ơn Quý khách đã hỏi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN) – thuộc Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng. Đối với yêu cầu tư vấn của Quý khách, FDVN có những trao đổi sau:

Căn cứ theo Khoản 13 Điều  Nghị định 51/2002/NĐ-CP quy định “Họp báo là hoạt động cung cấp thông tin của tổ chức hoặc cá nhân trước các đại diện cơ quan báo chí, nhà báo để công bố, tuyên bố, giải thích vấn đề có liên quan tới nhiệm vụ hoặc lợi ích của tổ chức, cá nhân đó.”

[1]. Quyền tổ chức họp báo

Tại Khoản 1, 2, 3 Điều 41 Luật Báo chí 2016 có quy định về họp báo như sau:

“Điều 41. Họp báo

  1. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Việc họp báo của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 56 của Luật này.

  1. Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.
  2. Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây:
  3. a) Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;
  4. b) Cơ quan, tổ chức không thuộc Điểm a Khoản này và công dân thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.

…”

Như vậy, người có quyền tổ chức hợp báo là:

– Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo;

– Cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;

– Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Do đó, đối với trường hợp của Quý khách, Quý khách là có thể tổ chức họp báo để công bố, giải thích,… nhiệm vụ, lợi ích cá nhân mình.

[2]. Thủ tục tổ chức họp báo

Căn cứ vào Khoản 3,4,5 Điều 41 Luật Báo chí 2016, Cá nhân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí

Thứ nhất, nội dung thông báo tổ chức họp báo bao gồm:

–  Địa Điểm họp báo;

–  Thời gian họp báo;

–  Nội dung họp báo;

–  Người chủ trì họp báo.

Thứ hai, Nơi tiếp nhận thông báo: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.

Thứ ba, thời gian tiến hành thông báo và nhận kết quả:

– Công dân phải gửi thông báo trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo.

– Cơ quan quản lý về báo chí có trách nhiệm trả lời thông báo trong khoảng thời gian từ khi Công dân gửi thông báo đến thời điểm dự định họp báo.

Sau khi gửi thông báo, cơ quan quản lý về báo chí xem xét, gửi văn bản trả lời:

– Trường hợp Cơ quan quản lý về báo chí trả lời thông báo, công dân thực hiện phải làm đúng nội dung đã được trả lời chấp thuận.

– Trường hợp Cơ quan quản lý không trả lời thông báo, Công dân được tiến hành họp báo đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý báo chí.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.

Theo Thanh Trà – Công ty Luật FDVN

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc

Luật sư tại Quảng Ngãi

359 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan