Tình huống pháp lý: Tôi là viên chức (hợp đồng làm việc không xác định thời hạn) làm việc tại một Trung tâm Y tế tại thành phố X, tỉnh Y. Khoảng tháng 11/2018, Trung tâm Y tế cử tôi đi học sau đại học. Thời gian học là 02 năm, chi phí hỗ trợ hàng tháng cho khoá học là 5 triệu đồng. Trước khi đi học tôi có viết vào bản cam kết là sau khi học xong sẽ quay trở về phục vụ tại đơn vị 04 năm, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật.
Sau khi đi học về, tôi về làm việc cho Trung tâm Y tế được 4 tháng thì viết đơn xin thôi việc nhưng Trung tâm Y tế không cho tôi thôi việc. Vậy cho tôi hỏi:
- Trung tâm Y tế không giải quyết cho tôi thôi việc là có đúng không?
- Nếu tôi vẫn tự ý nghỉ thì phải đền bù chi phí đào tạo là bao nhiêu?
Trả lời:
1. Trung tâm Y tế không giải quyết cho thôi việc là có đúng không?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010 thì viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì Viên chức được giải quyết cho thôi việc trong các trường hợp sau:
“a) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức và khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.”
Tuy nhiên, tại Điểm b Khoản 2 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định Viên chức chưa được giải quyết cho thôi việc trong trường hợp “Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo”.
Theo thông tin mà anh/chị cung cấp, anh/chị được Trung tâm Y tế cử đi học sau đại học trong vòng 02 năm và anh/chị có cam kết là sau khi học xong sẽ phục vụ, làm việc tại Trung tâm Y tế ít nhất là 04 năm. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình đào tạo, anh/chị mới chỉ làm việc cho Trung tâm Y tế được 04 tháng. Trường hợp của anh/chị thuộc trường hợp “Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo”. Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì việc Trung tâm Y tế chưa giải quyết cho anh/chị thôi việc là đúng pháp luật.
2. Mức đền bù chi phí đào tạo trong trường hợp tự ý nghỉ việc
Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định như sau:
Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.
Căn cứ vào quy định trên, anh/chị thuộc trường hợp tự ý bỏ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết nên phải đền bù chi phí đào tạo.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 thì “Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).”
Đối với trường hợp của anh/chị thì cách tính chi phí đền bù được thực hiện theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017, cụ thể được tính theo công thức sau:
S = | F | x (T1 – T2) |
T1 |
Trong đó:
– S là chi phí đền bù;
– F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;
– T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
– T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
Áp dụng công thức trên vào trường hợp cụ thể của anh/chị thì số tiền phải đền bù là:
[(5 triệu x 24 tháng) : 48 tháng] x [48 tháng – 4 tháng] = 110 triệu đồng.
Theo Nguyễn Công Tín – Công ty Luật FDVN
…………………………….
99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/