Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Bị cho thôi việc vì mang thai.

Bị cho thôi việc vì mang thai.

Tôi làm việc tại Công ty A từ đầu tháng 10/2015 cho đến nay. Cuối năm 2017, tôi lập gia đình và hiện nay tôi đang mang thai em bé được 06 tháng. Do, thể trạng tôi hơi yếu, nên trong thời gian này, tôi có xin phép Công ty được nghỉ phép năm theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, tôi đi làm lại bình thường. Tuy nhiên, 10 ngày sau khi tôi nghỉ phép, Công ty ra thông báo, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi. Lý do đưa ra là, công việc trong thời gian sắp tới ở công ty rất quan trọng, nhưng tôi đang mang thai, chuẩn bị nghỉ thai sản, do vậy công ty cần người thay thế để làm công việc này. Do đó, công ty sẽ chấm dứt Hợp đồng lao động với tôi, sẽ chỉ thanh toán cho tôi 75% lương trong tháng này, do tôi xin nghỉ phép.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi việc cho nghỉ của công ty và việc chỉ trả 75% lương của Công ty có đúng theo pháp luật hay không?

FDVN tư vấn:

Công ty Luật FDVN cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, FDVN tư vấn như sau:

[1]. Theo quy định tại Điều 39, Bộ luật Lao động 2012 về Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.

4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 155, Bộ luật Lao động 2012, về Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ:

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.”

Như vậy, việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn như lý do đã đưa ra là bạn đang mang thai, công ty cần người làm việc mới là không đúng với quy định của pháp luật, vi phạm quy định đã dẫn chiếu nêu trên.

Pháp luật đã có những quy định đặc thù để bảo vệ lao động nữ khi họ đang mang thai. Bởi, việc mang thai, nuôi con là việc người phụ nữ đang làm thiên chức của một người mẹ, là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty, được xem là một hành vi kì thị, phân biệt đối xử, không tôn trọng người lao động nữ.

[2]. Đối với vấn đề về tiền lương, theo quy định tại Điều 96, Bộ luật Lao động 2012, về nguyên tắc trả lương:

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

Điều 24, Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động, có quy định về Nguyên tắc trả lương:

1. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

2. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:

a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;

b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn nghỉ phép năm tại Công ty theo đúng quy định của hợp đồng, và cũng chưa có ý kiến phản đối từ Công ty. Do đó, có thể xem là bạn đã nghỉ phép năm theo đúng thời gian và đúng quy định. Và theo quy định tại Điều 111, Điều 112 Bộ luật Lao động 2012, thì việc nghỉ phép hằng năm, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Như vậy, việc Công ty chỉ chi trả 75% tiền lương, với ly do bạn đã nghỉ phép năm là không đúng quy định.

[3]. Và Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13, Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP, với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Như vậy, có thể khẳng định, Công ty đã có vi phạm về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, về vấn đề chi trả tiền lương. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể yêu cầu Phòng lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở để giải quyết. Trường hợp, căng thẳng hơn, thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho bạn.

Trên đây là những ý kiến tư vấn của Công ty Luật TNHH MTV FDVN, chúc bạn sớm giải quyết ổn thỏa các sự việc nêu trên.

Bài viết liên quan