Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH TRONG GIAO DỊCH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH TRONG GIAO DỊCH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH TRONG GIAO DỊCH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

PROTECTING THE INTERESTS OF BONA FIDE THIRD PARTIES IN THE TRANSACTION OF LAND USE RIGHTS TRANSFER

Công ty Luật FDVN

Bảo vệ người thứ ba ngay tình là một chế định quan trọng nhằm bảo vệ bên ngay thẳng, trung thực trong giao dịch dân sự, góp phần ổn định các quan hệ dân sự. So với Bộ Luật Dân sự 2005, Bộ Luật Dân sự 2015 đã có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Tuy vậy, trên thực tế vẫn phát sinh nhiều vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về chế định người thứ ba ngay tình.

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sẽ phân tích một số vướng mắc trong áp dụng chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất, từ đó gợi mở hướng hoàn thiện pháp luật.

Từ khoá: “bảo vệ người thứ ba ngay tình”, “người thứ ba ngay tình”, “giao dịch về quyền sử dụng đất”

Abstract:

Protection of the interests of bona fide third parties is an important provision to protect an upright and honest party in civil transactions and contributes to stabilizing civil relations. Compared to the Civil Code 2005, the Civil Code 2015 has stricter and clearer regulations to better protect the interests of bona fide third parties. However, in practice, many problems are still arising, posing a requirement to perfect the law on the institution of bona fide third parties.

Within the scope of this article, the authors will analyze several problems in applying the regulation to protect bona fide third parties in the transaction of land use rights, thereby suggesting a direction to strengthen the regulations of the law.

Keywords: ” Protection of bona fide third parties “, ” bona fide third parties “, “land use rights transactions”

  1. Pháp luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai 2013, chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong phạm vi bài viết này, giao dịch chuyển quyền sử dụng đất được hiểu là giao dịch nhằm chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

1.1. Điều kiện người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ trong giao dịch về quyền sử dụng đất

Khoản 1, Khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

  1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
  2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Căn cứ vào quy định trên, điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ trong các giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất theo Bộ Luật Dân sự 2015 là:

Thứ nhất, trước khi người thứ ba tham gia vào giao dịch thì đã có một giao dịch đã xác lập trước đó bị vô hiệu

Ví dụ: Để bảo đảm cho hợp đồng vay tiền, A đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho B. Trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng công chứng, B đã đăng ký, sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, B chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Bên C và Bên C cập nhật biến động, sang tên theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian sau, A kiện B để yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng là vô hiệu, Toà án xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa A và B là vô hiệu, lúc này C là người thứ ba ngay tình.

Thứ hai, người thứ ba được nhận chuyển giao tài sản một cách ngay tình

Tức là, người thứ ba không biết hoặc không thể biết những giao dịch trước đó bị vô hiệu. Họ có căn cứ để tin rằng đối tượng, chủ thể giao dịch với mình đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất thì một trong những căn cứ để người thứ ba tin rằng đối tượng, chủ thể giao dịch với mình là hợp pháp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ ba, giao dịch với người thứ ba ngay tình phải được đăng ký theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Do đó, để được pháp luật bảo vệ, người thứ ba phải hoàn thành nghĩa vụ đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu/sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

1.2. Giải quyết xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu tài sản với người thứ ba ngay tình

Khoản 3 Điều 133 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

  1. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Theo quy định trên, nếu quyền sử dụng đất đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của mình, chủ sở hữu có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc xác lập giao dịch với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

  1. Một số vướng mắc về chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch chuyển quyền sử dụng đất

Thứ nhất, về xác định người thứ ba ngay tình trong các giao dịch không có yếu tố “chuyển giao” tài sản

Một trong các điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ là tài sản phải được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình”. Như vậy, để có thể áp dụng chế định người thứ ba ngay tình thì người thứ ba phải được chuyển giao tài sản. Tuy nhiên, thực tế một số trường hợp người thứ ba mặc dù không được chuyển giao tài sản nhưng nhận bảo đảm bằng tài sản, như thế chấp quyền sử dụng đất thì có được pháp luật bảo vệ theo cơ chế người thứ ba ngay tình hay không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 317 Bộ Luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Như vậy, trong giao dịch về thế chấp quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất không được chuyển giao cho bên nhận thế chấp.

Thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất nhất cho rằng: Người nhận thế chấp quyền sử dụng đất không được xem là người thứ ba ngay tình

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND tối cao (Vụ 9) nhận thấy vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Y và bà N với bị đơn là bà M của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tại Bản án dân sự phúc thẩm số 07/2020/DS-PT ngày 02/11/2020 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm, cụ thể như sau:

“…Tại khoản 10 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Thực tế, bà M chỉ thế chấp diện tích đất nêu trên cho Ngân hàng, chứ không phải là chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng diện tích 17.270m2 đất, thuộc thửa đất số 35 (diện tích 9.320m2) và thửa đất số 36 (diện tích 7.950m2), tờ bản đồ số 11, ở BJ, xã EH, huyện CM, tỉnh ĐL cho Ngân hàng không phải là giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, nên Ngân hàng không được coi là người thứ ba ngay tình. Do đó, Hợp đồng thế chấp ngày 01/6/2012 giữa bà M với Ngân hàng vô hiệu đối với quyền sử dụng diện tích 17.270m2 đất theo GCNQSDĐ số BC 944798 ngày 06/4/2011 mang tên bà M[1]”.

Như vậy, theo quan điểm nêu trên (Quan điểm của Toà án nhân dân tối cao) thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng không phải là giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất nên Ngân hàng không được coi là người thứ ba ngay tình.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Người nhận thế chấp quyền sử dụng đất được xem là người thứ ba ngay tình

Tại mục 1 Phần II của Công văn số 64/TAND-PC ngày 03/4/2019 TAND Tối cao, khi được hỏi: “Trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Vậy giao dịch thế chấp đó có bị vô hiệu không?” thì Toà án nhân dân tối cao giải đáp như sau:

“Tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự quy định:

…2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thm quyn, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thm quyn thì giao dịch dân sự vi người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đu giá tại tổ chức có thm quyn hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. …

Theo Bản thuyết minh Dự án Bộ luật Dân sự năm 2015 của Ban soạn thảo thì quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự là nhằm: …Bảo đảm công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình và bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự (các Bộ luật dân sự trên thế gii đều ghi nhận việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự)…”. Cho nên, cụm từ chuyn giao bng một giao dịch dân sự khác” tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự phải được áp dụng theo nghĩa rộng. Có nghĩa là: Không chỉ có những giao dịch nhằm chuyển giao quyền sở hữu như: Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn nhà ở; chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… mà cả những giao dịch nhằm chuyển giao những quyền về sở hữu đối với tài sản hoặc quyền về sử dụng đối với thửa đất.

Đồng thời, thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm, theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật Dân sự thì nội hàm của thế chấp tài sản là việc người thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp mà không giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 320 của Bộ luật Dân sự quy định nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản là: Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bo đm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này…”; khoản 7 Điều 323 của Bộ luật Dân sự quy định quyền của bên nhận thế chấp: “Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này”. Như vậy, mục đích của thế chấp là người có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp, trong trường hợp nghĩa vụ đó không được bên thế chấp thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì phải giao tài sản đã thế chấp cho bên nhận thế chấp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi của bên nhận thế chấp. Vì vậy, phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện; để bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp ngay tình thì phải hiểu quy định “chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác” tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự được áp dụng cả trong trường hợp giao dịch về thế chấp tài sản.

Cho nên, trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu”.

Như vậy, cũng theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao (thông qua Công văn số 64/TAND-PC ngày 03/4/2019) thì thế chấp là giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện nên bên nhận thế chấp là người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ. Thực tiễn xét xử tại Toà án hiện nay, rất nhiều bản án đã tuyên tổ chức tín dụng (bên nhận thế chấp) là người thứ ba ngay tình cần được bảo vệ[2].

Thực trạng nói trên cho thấy, hiện nay vẫn chưa có đường lối giải quyết thống nhất về bảo vệ người thứ ba ngay tình đối với các giao dịch không có yếu tố “chuyển giao” tài sản. Công văn số 64/TAND-PC ngày 03/4/2019 là công văn hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ của ngành Toà án và không được xem là văn bản pháp luật làm căn cứ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, ngay cả khi có Công văn số 64/TAND-PC ngày 03/4/2019 thì cũng tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề trên.

Thứ hai, về điều kiện xác định người thứ ba ngay tình

Bộ Luật Dân sự 2015 đưa ra cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu nhưng lại không đưa ra một khái niệm, điều kiện cụ thể để xác định như thế nào là người thứ ba ngay tình.

Bộ Luật Dân sự 2015 đưa ra định nghĩa về chiếm hữu ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Chiếm hữu không ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Tuy vậy, nếu tiếp cận khái niệm người thứ ba ngay tình ở khía cạnh chiếm hữu ngay tình thì chưa hợp lý, vì người thứ ba chưa hẳn là người chiếm hữu.

Pháp luật hiện hành chưa có một quy định nào hướng dẫn về người thứ ba ngay tình. Thực tế, còn nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn tuỳ nghi.

Cùng phân tích một tình huống thực tế: Theo Bản án phúc thẩm (có hiệu lực pháp luật), A phải có nghĩa vụ trả nợ cho B số tiền là 2 tỷ đồng. Thi hành Bản án, cơ quan thi hành án dân sự đã bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất của A. C là người đã trúng đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật, dẫn đến giá trúng đấu giá thấp ảnh hưởng đến quyền lợi của A. A đã khởi kiện yêu cầu huỷ kết quả đấu giá. Trường hợp này C có được xem là người thứ ba ngay tình?

Thực tế xét xử cho thấy, Toà án đã công nhận C là người thứ ba ngay tình, mặc dù thủ tục đấu giá có sai phạm, thể hiện qua nhận định của Bản án số 64/2019/DS-PT ngày 26/4/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai: “Ông T và bà L hoàn toàn không biết việc vay tiền và thế chấp giữa Ngân hàng K, công ty Y và ông H, bà T1. Ông bà là người đã mua đấu giá ngay tình. Theo quy định tại Điều 258 của BLDS 2005 và Điều 133 của BLDS 2015 thì ông T bà L là những chủ sử dụng đất ngay tình, được pháp luật bảo vệ và chủ sở hữu, sử dụng cũ (ông H, bà T1) không được đòi lại tài sản này kể cả trong trường hợp Ngân hàng K và Công ty bán đấu giá có sai phạm gây thiệt hại cho bà T1, ông H”.

Theo nhận định trên, mặc dù đánh giá giao dịch với người thứ ba (đấu giá) là không hợp pháp nhưng người thứ ba vẫn được bảo vệ theo cơ chế người thứ ba ngay tình. Theo nhóm tác giả, quan điểm trên là không phù hợp, vì dễ bị lợi dụng chính sách người thứ ba ngay tình. Chính giao dịch với người thứ ba không hợp pháp thì cơ sở đâu xác định người thứ ba là ngay tình.

Không chỉ ở ví dụ trên, nhiều trường hợp khác “người thứ hai” cố tình chuyển quyền sử dụng đất cho người thứ ba để tẩu tán tài sản, lợi dụng chính sách bảo vệ người thứ ba ngày tình. Chính vì do không có khái niệm, tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể như thế nào là người thứ ba ngay tình nên việc áp dụng pháp luật còn tuỳ nghi, có phần theo ý chí chủ quan.

  1. Gợi mở hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch quyền sử dụng đất

Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào hướng dẫn về chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình. Từ những bất cập, vướng mắc nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch quyền sử dụng đất, có thể ban hành nghị quyết, văn bản hướng dẫn thi hành về chế định người thứ ba ngay tình theo hướng sau:

Thứ nhất, cần mở rộng chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình theo hướng, không chỉ những giao dịch nhằm chuyển giao quyền sở hữu/sử dụng như: Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn nhà ở; chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… mà cả những giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất mang tính chất đăng ký. Cụ thể, Khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Dân sự có thể sửa đổi cụm từ “chuyển giao” thành “chuyển giao hoặc đăng ký” như sau: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng hoặc đăng ký một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Thứ hai, cần ban hành nghị quyết hướng dẫn nêu rõ tiêu chí, điều kiện xác định người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ. Trong đó, phải xác định điều kiện bắt buộc để người thứ ba ngay tình được bảo vệ là giao dịch của người thứ ba phải hợp pháp, để tránh tình trạng lợi dụng chính sách người thứ ba ngay tình để tẩu tán tài sản.

Trên đây là một số trao đổi của nhóm tác giả liên quan đến chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch chuyển quyền sử dụng đất. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của Quý độc giả.

Nhóm tác giả: Nguyễn Công Tín; Hồ Thị Thương; Phạm Văn Việt; Phan Đức Huỳnh; Đặng Thị Ánh (Công ty Luật FDVN)

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn bản quy phạm pháp luật
  2. Bộ Luật Dân sự 2015;
  3. Bộ Luật Dân sự 2005;
  4. Luật Đất đai 2013.
  5. Tài liệu tham khảo khát
  6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2022), Thông báo rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, https://www.vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/thong-bao-rut-kinh-nghiem-ve-kiem-sat-viec-giai-qu-d10-t10292.html;
  7. Toà án nhân dân tối cao (2019), Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự, tố tụng hành chính;
  8. Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai (2019), Bản án số 64/2019/DS-PT ngày 26/4/2019 về việc đòi tài sản;
  9. Công ty Luật Hợp danh FDVN, Tổng hợp 20 Bản án về bảo vệ người thứ ba ngay tình, https://fdvn.vn/tong-hop-20-ban-an-bao-ve-nguoi-thu-ba-ngay-tinh/.

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan