Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) ghi nhận 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo hai cách tiếp cận: (1) Bảo đảm nghĩa vụ theo luật định[1] và Bảo đảm nghĩa vụ theo thỏa thuận[2]; (2) Bảo đảm nghĩa vụ không bằng tài sản[3] và Bảo đảm nghĩa vụ bằng tài sản[4]. Tuy nhiên, dù dưới cách tiếp cận nào thì một trong những vấn đề được các chủ thể trong giao lưu dân sự đặc biệt quan tâm là bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho người khác có được công nhận hay không? Nội dung pháp lý của vấn đề này như thế nào. Bài viết xin đề cập về vấn đề này.[5]
1. Khái niệm và sự cần thiết
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho người khác là trường hợp người thứ ba[6] thỏa thuận với bên có quyền (chủ nợ) hoặc thỏa thuận với cả chủ nợ và bên có nghĩa vụ (bên nợ) về việc người thứ ba cam kết thực hiện biện pháp bảo đảm có tính chất đối nhân (bảo lãnh hoặc tín chấp[7]) hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm có tính chất đối vật – bằng tài sản (thế chấp, cầm cố[8]) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho bên nợ. Quan hệ bảo đảm nghĩa vụ này gồm có ba chủ thể: Bên nhận bảo đảm (chủ nợ) – Bên bảo đảm (người thứ ba) – Bên được bảo đảm (bên nợ).
Trong đó, quan hệ giữa bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm là trung tâm có tính chất quyết định. Sự thỏa thuận giữa chủ nợ và người thứ ba là điều kiện tiên quyết để phát sinh quan hệ bảo đảm, thỏa thuận với bên nợ thường chỉ đặt ra khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc phải có sự đồng ý của chủ thể này. Việc người thứ ba đứng ra bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên nợ có thể là kết quả thỏa thuận giữa người thứ ba với bên nợ, theo đó, người thứ ba cung cấp một dịch vụ để hỗ trợ cho bên nợ nhận được sự chấp thuận cho vay của bên chủ nợ, đối ứng lại bên nợ phải thanh toán phí dịch vụ, tiền thù lao hoặc phải hoàn trả giá trị tài sản, giá trị nghĩa vụ mà người thứ ba đã thực hiện để bảo đảm nghĩa vụ cho bên nợ.
Việc ghi nhận bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho người khác đơn giản là sự nối dài một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Qua đó, giúp cho các chủ thể có thêm sự lựa chọn và cơ hội trong tham gia quan hệ dân sự nói chung, trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói riêng.
Đối với bên nợ, việc nghĩa vụ trả nợ của họ được người thứ ba bảo đảm thực hiện sẽ giúp cho họ tiếp cận được, mở rộng được nguồn vốn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng, nhất là khi năng lực tài chính của họ không có hoặc không đủ để tạo niềm tin cho chủ nợ cấp vốn hoặc không đủ để đáp ứng quy mô đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng.[9]
Đối với chủ nợ, việc nghĩa vụ của bên nợ được người thứ ba bảo đảm giúp cho chủ nợ có thêm cơ sở kinh tế, năng lực tài chính và an toàn pháp lý để cấp vốn, quyết định mức vốn cho bên nợ. Chủ nợ có thể không có rủi ro pháp lý hoặc giảm thiểu được rủi ro pháp lý cho mình trong trường hợp bên nợ vi phạm nghĩa vụ trả nợ của họ. Qua đó, giúp cho chủ nợ mở rộng kênh đầu tư, gia tăng hiệu quả đầu tư của việc “bơm” vốn ra thị trường và xã hội.
Đối với người thứ ba, ngoài việc họ đứng ra bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho bên nợ là để hỗ trợ, tạo điều kiện cho bên nợ tiếp cận hoặc mở rộng được nguồn vốn thì đây cũng là một hình thức đầu tư, khai thác lợi ích vật chất từ tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc từ việc đứng ra thực hiện nghĩa vụ thay cho bên nợ.
Đối với xã hội, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho người khác góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư cho xã hội, gia tăng sự liên kết giữa các thị trường vốn, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định của kinh tế – xã hội.
2. Bảo lãnh[10]
Bảo lãnh theo quy định của BLDS 2015 là biện pháp bảo đảm mang tính chất đối nhân, theo đó người thứ ba cam kết (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Để phù hợp với tính chât đối nhân của bảo lãnh, BLDS năm 2015 không cho phép bên nhận bảo lãnh có quyền xử lý tài sản của bên bảo lãnh để thanh toán nghĩa vụ của bên được bảo lãnh khi chủ thể này vi phạm nghĩa vụ. Trong trường hợp này, bên nhận bảo lãnh chỉ có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thanh toán giá trị nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh vi phạm, bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Nếu bên bảo lãnh không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có thể yêu cầu tòa án hoặc trọng tài (nếu có thỏa thuận) buộc bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh.
Tuy nhiên, để tạo niềm tin cho các bên, nâng cao trách nhiệm của bên được bảo lãnh và bên bảo lãnh trong thực hiện nghĩa vụ, cũng như để bảo đảm phòng ngừa, hạn chế rủi ro pháp lý, tạo sự linh hoạt trong giao dịch, BLDS 2015 ghi nhận các cơ chế pháp lý:
(1) Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; [11]
(2) Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản (ví dụ như cầm cố, thế chấp) để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
(3) Nghĩa vụ được bảo lãnh có thể là nghĩa vụ phát sinh trong tương lại. Trường hợp này phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.
3. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tài sản của người thứ ba
a) Về cơ sở pháp lý
BLDS 2015 không có quy định cụ thể nào về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tài sản của người thứ ba, điều này dẫn tới có sự lo ngại về việc do nhà làm luật không có quan điểm rõ ràng có thể làm phát sinh những rủi ro pháp lý cho các chủ thể, nhất là đối với bên nhận bảo đảm. [12]
Tuy nhiên, BLDS 2015 không có bất kỳ quy định nào về việc giới hạn quyền của các chủ thể trong việc lựa chọn bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của người thứ ba; không giới hạn chủ thể của các biện pháp bảo đảm phải là chủ nợ và bên nợ, nghĩa vụ được bảo đảm phải là nghĩa vụ của bên được bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm phải thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ được bảo đảm.
Bên cạnh đó, BLDS cũng quy định đầy đủ cơ chế pháp lý để công nhận, tôn trọng và bảo vệ sự thỏa thuận về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tài sản của người thứ ba, trong đó:
– Một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; nếu không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng;[13]
– Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;[14]
– Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sư và không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật;[15]
– Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.[16]
– Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này phải căn cứ vào sự thỏa thuận các bên, nếu không có thỏa thuận của các bên thì căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, nếu không có tập quán, tương tự pháp luật thì phải áp dụng án lệ, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để giải quyết;[17]
Như vậy có thể khẳng định, trường hợp các bên có thỏa thuận bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tài sản của người thứ ba mà không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì thỏa thuận đó sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được các chủ thể khác tôn trọng, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền này của các chủ thể.[18] -[19]
b) Các dạng thức có thể được áp dụng
Dạng thức thứ nhất, dùng tài sản của người thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên nợ
Trong dạng thức này (thường là áp dụng biện pháp cầm cố, thế chấp[20]), chủ nợ là bên nhận bảo đảm, người thứ ba là bên bảo đảm còn nghĩa vụ được bảo đảm là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của bên nợ (phụ thuộc vào sự thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật). Trường hợp bên nợ vi phạm nghĩa vụ thuộc phạm vi bảo đảm[21] thì chủ nợ có quyền xử lý tài sản bảo đảm được người thứ ba dùng để bảo đảm nghĩa vụ.
Ví dụ: X vay tiền của Y, M có thỏa thuận với Y về việc sử dụng tài sản của mình để thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả tiền của X. Trường hợp này sẽ phát sinh ba quan hệ, quan hệ X – Y (theo quy định về quan hệ nghĩa vụ), quan hệ M – Y (theo quy định về biện pháp thế chấp) và quan hệ X – M (quan hệ có đền bù hoặc không có đền bù). Khi X vi phạm nghĩa vụ trả tiền cho Y thì Y có quyền xử lý tài sản thế chấp mà M dùng để bảo đảm thanh toán nợ của X. Trong trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thì X phải hoàn trả lại giá trị tài sản của M đã bị xử lý để thanh toán nợ của X, ngoài ra có thể bao gồm cả phí dịch vụ, tiền thù lao.
Dạng thức thứ hai, bên bảo lãnh dùng tài sản của mình để bảo đảm chính nghĩa vụ bảo lãnh của mình
Dạng thức này về cơ bản cũng giống như dạng thức thứ nhất, nhưng điểm khác biệt cơ bản ở chỗ, nghĩa vụ được bảo đảm không phải là nghĩa vụ của bên nợ mà là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh. Như vậy khác với dạng thức thứ nhất, ở dạng thức này, trường hợp bên nợ vi phạm nghĩa vụ thuộc phạm vi bảo đảm[22] thì chủ nợ trước hết phải yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay thế cho bên nợ, nếu bên bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ của mình thì chủ nợ mới có quyền xử lý tài sản được người thứ ba dùng để bảo đảm nghĩa vụ.
Ví dụ: A bảo lãnh cho B vay tiền của C, theo thỏa thuận với C, A dùng tài sản của mình để thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Trường hợp này sẽ phát sinh ba quan hệ, quan hệ B – C – A (theo quy định về biện pháp bảo lãnh), quan hệ A – C (theo quy định về biện pháp thế chấp), quan hệ A – B (quan hệ có đền bù hoặc không có đền bù). Khi B vi phạm nghĩa vụ trả tiền cho C thì C chưa có quyền xử lý tài sản thế chấp mà phải yêu cầu A thực hiện thay nghĩa vụ trả tiền của B, nếu A vi phạm nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì C mới có quyền xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo luật định. Trong trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định thì B phải hoàn trả lại giá trị tài sản của A đã bị xử lý để thanh toán nợ của B, ngoài ra có thể còn bao gồm cả phải phí dịch vụ, tiền thù lao.
Việc dùng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh cũng có thể bằng tài sản của người khác. Ví dụ: M bảo lãnh cho N vay tiền của P, theo thỏa thuận với P, Y dùng tài sản của mình để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh của M đối với N. Trường hợp này sẽ phát sinh bốn quan hệ, quan hệ N – P – M (theo quy định về biện pháp bảo lãnh), quan hệ P – Y (theo quy định về biện pháp thế chấp), quan hệ N – M (quan hệ có đền bù hoặc không có đền bù) và quan hệ Y – M (quan hệ có đền bù hoặc không có đền bù). Khi N vi phạm nghĩa vụ trả tiền cho P thì P chưa có quyền xử lý tài sản thế chấp mà phải yêu cầu M thực hiện thay nghĩa vụ trả tiền của N, nếu M vi phạm nghĩa vụ của mình thì P mới có quyền xử lý tài sản thế chấp mà Y dùng để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh của P. Trong trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định thì N, M phải hoàn trả lại giá trị tài sản của người bảo đảm nghĩa vụ cho mình (M đối N, Y đối với M) đã bị xử lý để thanh toán nghĩa vụ của N và M, ngoài ra có thể còn bao gồm cả phí dịch vụ, tiền thù lao.
c) Bảo đảm nghĩa vụ của người được đại diện bằng tài sản của người đại diện
Theo quy định của BLDS, một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.[23]Từ quy định này có ý kiến cho rằng, trong trường hợp người đại diện dùng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ của bên được đại diện là không phù hợp với quy định của BLDS. Tuy nhiên, bằng ngoại lệ “pháp luật có quy định khác” thì BLDS không phủ nhận tuyệt đối các giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó. Điều này thể hiện rõ thông qua các quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 1 Điều 86 và khoản 1 Điều 162 của Luật doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì người đại diện của doanh nghiệp có thể bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho doanh nghiệp mà mình đại diện nếu được Hội đồng thành viên, Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị chấp thuận.[24] -[25]
Đối với những trường hợp khác, việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người đại diện bằng tài sản của người đại diện phải thực hiện theo nguyên tắc hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Tức là người được đại diện chỉ là người thụ hưởng lợi ích từ việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quan hệ giữa bên bảo đảm và bên được bảo đảm phải là quan hệ không có đền bù, bên được bảo đảm không phải thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đối với bên bảo đảm. Trường hợp bên được bảo đảm phải có nghĩa vụ đối với bên bảo đảm thì đồng nghĩa với việc người đại diện đã giao dịch với người được đại diện là không phù hợp với quy định của BLDS về giới hạn phạm vi đại diện. Để tránh phức tạp và có những rủi ro pháp lý không cần thiết, người viết cho rằng, các bên cần tách bạch rõ quan hệ như ở dạng thức thứ nhất (phân tích ở bài viết này), hợp đồng bảo đảm chỉ nên lấy chữ ký hoặc bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản giữa bên nhận bảo đảm (chủ nợ) và bên bảo đảm (người đại diện).
Chú thích:
[1] Cầm giữ
[2] Cầm cố, thế chấp, đặc cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh và tín chấp
[3] Bảo lãnh và tín chấp
[4] Cầm cố, thế chấp, đặc cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ
[5] Bài viết này chỉ giới thiệu tinh thần của BLDS 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho người khác, việc nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn về vấn đề này đã được nhiều tác giả (TS. Bùi Đức Giang, Trương Thanh Đức, PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Ths. Nguyễn Quang Hương Trà, TS. Hồ Quang Huy,..) thực hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, các bạn có thể tham khảo trên các công trình nghiên cứu của họ.
[6] Một hoặc nhiều cá nhân, pháp nhân
[7] Bài viết này không đề cập đến nội dung pháp lý của biện pháp tín chấp
[8] Ngoài cầm cố, thế chấp, biện pháp bảo đảm bằng tài sản trong BLDS 2015 còn có đặt cọc, ký cược, ký quỹ, cầm giữ (biện pháp bảo đảm theo luật định).
[9] Thực tiễn thời gian qua cho thấy, cơ chế bảo đảm nghĩa vụ của người khác thực sự có ý nghĩa đối với người dân, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn phù hợp để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, về nghiên cứu khoa học, đầu, tư, sản xuất, kinh doanh…
[10] Đ.335 – Đ.343
[11] Quy định này được kế thừa từ quy định của BLDS 2005
[12] Sự lo ngại này là chính đáng vì trong thực tiễn có Tòa án đã từng tuyên hợp đồng thế chấp quyền sử dụng bảo đảm nghĩa vụ cho người khác là vô hiệu do pháp luật không có quy định về trường hợp này.
[13] Điều 3.2
[14] Đ.2.2
[15] Đ.9.1 và Đ.10.1
[16] Đ.163
[17] Điều 5, Đ.6, Đ.14.2
[18] Khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 14 BLDS
[19] Tuy nhiên để bảo đảm thống nhất trong nhận thức pháp luật, trong áp dụng pháp luật và thi hành pháp luật thì Chính phủ cũng cần có hướng dẫn cụ thể; Tòa án nhân dân tối cao cũng cần có hướng dẫn hoặc ban hành án lệ có liên quan để thống nhất trong công tác giải quyết các vụ việc có liên quan đến bảo đảm thực hiện cho người khác. Pháp luật chuyên ngành (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng, chứng khoán…) cũng cần có quy định cụ thể hơn về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tài sản của người thứ ba.
[20] Về mặt lý thuyết, các bên có thể thỏa thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm bằng tài sản khác.
[21] Bên nợ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
[22] Xem chú thích 21
[23] Điều 141.3
[24] Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, việc bảo đảm nghĩa vụ trong trường hợp này cũng được chấp nhận nếu chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc xem xét quyết định (Điều 86 Luật doanh nghiệp).
[25] Ngoài ra, căn cứ vào quy định của pháp luật, người đại diện cũng có thể bảo đảm bằng tài sản của mình trong thực hiện nghĩa vụ của người được đại diện trong các trường hợp khác. Ví dụ: theo quy định tại điều 59 BLDS thì người giám hộ được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ; Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ.
NGUYỄN HỒNG HẢI
NGUỒN: VIETNAM LAW & LEGAL FORUM Vol. 23 – No 276 August 2017