Ngày 27/5/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã nêu ra một thực tế hết sức báo động là trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại[1].
Thực tế nhức nhối đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải thực hiện kịp thời hàng loạt các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, việc xác định cụ thể các quy định của pháp luật liên quan đến tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” mang tính cấp thiết khi thực tiễn cho thấy có nhiều vụ xét xử đối với tội danh này có một số vướng mắc, quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn đặc biệt là trong việc xác định độ tuổi của người bị hại.
- Hiện nay theo quy định pháp luật, cụ thể tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015[2], việc xác định tuổi của người bị hại được xác định trên các căn cứ sau:
“Điều 417. Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi
Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:
a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.”
Như vậy, việc xác định độ tuổi của người hại nói chung và độ tuổi người dưới 18 tuổi nói riêng được xem là yêu cầu bắt buộc của cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải áp dụng mọi biện pháp để xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của họ, căn cứ vào các tài liệu hợp pháp như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, các giấy tờ, tài liệu hợp pháp khác…Tài liệu, chứng cứ nêu trên phải được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập theo trình tự, thủ tục đúng với quy định của pháp luật. Nếu trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp như đã nêu trên mà vẫn không xác định được thì ngày, tháng, năm được xác định vào từng trường hợp cụ thể. Và trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
- Vướng mắc khi áp dụng quy định pháp luật trên thực tế
Cụ thể, trên thực tế có những trường hợp gặp vướng mắc khi giải quyết các vụ án “hiếp dâm trẻ em” trên thực tế và có những vấn đề pháp lý bất cập được đặt ra như sau:
Vụ án thứ nhất:
Tại Giấy khai sinh mà bị hại cung cấp cho cơ quan điều tra nêu: Võ Thị Ngọc Diễm sinh ngày 13/10/2000, tính đến thời điểm giao cấu bị hại mới 12 tuổi 5 tháng 27 ngày.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2014/HSST ngày 23/6/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định: Áp dụng Khoản 4 Điều 112, điểm b, p Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46; điểm g Khoản 1 Điều 48; Điều 69; Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Nguyễn Minh Hiền 12 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Tuy nhiên, kết luận giám định số 2627/C54N ngày 02/12/2015 của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận tại thời điểm giám định bị hại có độ tuổi từ 15 năm 3 tháng đến 16 năm 3 tháng.
Trong Biên bản phiên tòa xác định: Bị cáo khai “Bị cáo chỉ nghe người khác nói Diễm sinh năm 1999”; Bị hại khai “Bị hại sinh năm 1999 nhưng sau đó giấy tờ bị cháy nên nhờ cậu làm lại giấy khau sinh năm 2000…tôi còn người em sinh năm 2000”; Đại diện hợp pháp của bị hại Võ Thị Dồi (mẹ bị hại) khai: “Bị hại khai sinh năm 1999 là đúng, vì trước đó nhà bị cháy nên cháy giấy khai sinh của Diễm nên nhờ cậu làm lại dùm”[3].
Như vậy, trong trường hợp nêu trên giấy khai sinh và Bản kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh không thống nhất với nhau. Trong khi đó tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng gồm: Bị hại, người bị hại, đại diện người bị hại đều khai bị hại sinh năm 1999 nhưng không được Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát điều tra làm rõ. Do đó, việc xác định đổ tuổi của bị hại là rất quan trọng bởi vì có xác định độ tuổi bị hại đúng thì mới có cơ sở để xác định bị cáo có phạm tội hay không và trường hợp phạm tội thì phạm tội gì với mức khung hình phạt là bao nhiêu.
Đồng thời khi xét thấy cần phải yêu cầu giám định (ngay cả khi đương sự không có yêu cầu) để làm rõ những phân tích, kết luận giám định nhằm giúp cho đương sự có cơ hội bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ thông qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
Hiện nay liên quan đến giám định độ tuổi được quy định tại Điều 205, 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015[4] quy định trong trường hợp tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó thì đây được xem là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Theo đó, khi xét thấy cần thiết hoặc thuộc trường hợp nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định ngay cả khi đương sự không có yêu cầu.
Hoặc một số trường hợp kết quả giám định còn hời hợt không ghi rõ ràng cụ thể dẫn đến việc không đánh giá đúng chất vụ án và gây ra nhiều sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án. Đơn cử theo kết quả giám định tuổi của bị hại nêu trong một số bản án có nội dung sau:
“Tại bản giám định pháp y số 1075/GĐPY/17 ngày 26/10/2017 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Long An kết luận cháu Hoàng Nhi Giang tại thời điểm giám định là 14 tuổi (+/- 3 tháng)”.[5]. Bản kết quả giám định trên là chưa khách quan cụ thể. Vì đối những vụ án liên quan đến hiếp dâm thì chỉ cần có sự chênh lệch về ngày, tháng của người bị hại là đã hình thành hai tội danh khách nhau với mức khung hình phạt khác nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến việc xác định tội danh của người phạm tội.
Cụ thể:
Liên quan đến một vụ án Hiếp dâm trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh[6] như sau:
Theo nội dung vụ án bị cáo Tuấn (sinh ngày 25/5/1999) làm quen với nạn nhân là bé L.N.T.T. – theo giấy khai sinh thì sinh ngày 02/10/2002. Sau đó Tuấn nhiều lần chở em T. đi chơi và cả hai có quan hệ tình dục với nhau. Phát hiện sự việc, gia đình em T. đã tố cáo với cơ quan chức năng.
Theo hồ sơ, Tuấn sinh ngày 25/05/1999, nên tính đến ngày có hành vi giao cấu (26/6/2015) là đủ 16 tuổi. Còn bị hại, theo giấy khai sinh là ngày 02/10/2002. Tính đến thời điểm bị hại thì bé T. được 12 tuổi, 9 tháng 19 ngày.
Xử sơ thẩm lần 2 vào tháng 4/2016, Tòa án tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt Tuấn 8 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Sau đó, tháng 12-2016, Tòa án cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trên, yêu cầu cho giám định độ tuổi của bị hại để làm cơ sở xử lý tội danh của bị cáo và làm rõ thời gian có quan hệ tình dục giữa bị cáo và bị hại.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lại vụ án này, Hội đồng xét xử nhận định hồ sơ cho thấy khai sinh của bị hại trễ hạn và có đến 2 giấy khai sinh và cũng không có chứng cứ nào khác rõ ràng về ngày sinh của người bị hại. Bên cạnh đó, lời khai của mẹ và ông ngoại bị hại cũng như các nhân chứng khác có nhiều mâu thuẫn, không có cơ sở xác định ngày sinh của bị hại.
Trong khi đó, kết quả giám định xương của nạn nhân cho thấy bị hại có độ tuổi từ 12 năm, 10 tháng đến 13 năm 4 tháng vào thời điểm có quan hệ tình dục với bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử nhận định cần áp dụng kết quả theo hướng có lợi cho bị cáo. Từ đó, tòa công nhận thời điểm bị cáo và người bị hại có quan hệ tình dục thì bị hại đã hơn 13 tuổi. Điều đó, đồng nghĩa bị cáo Tuấn không phạm tội hiếp dâm trẻ em.
Như vậy, trong trường hợp này Toà án đã áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, Tòa Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên Tuấn không phạm tội cho dù rằng Tuấn đã có hành vi giao cấu với em N, đã bị Tòa án Tây Ninh tuyên là có tội, nhưng vì mâu thuẫn trong việc xác định tuổi dẫn đến Tòa án phải tuyên Tuấn không phạm tội
Vụ án thứ hai:
Chị Nguyễn Thị Th (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết ngày 19/11/2019, con gái chị là bé Nguyễn Thị B sau tiệc liên hoan ở xưởng sản xuất nón bảo hiểm thì bị người đàn ông tên N.N.Q (thợ sơn ở xưởng) chở vào khách sạn và quan hệ tình dục. Bé B kể với chị sự việc bị ép buộc vì không quen biết yêu thương gì người đàn ông này. Chị Th đã trình báo công an. Sự việc được chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh. Ngày 02/12/2019 và ngày 16/12/2019, Công an huyện Bình Chánh thông báo kết luận giám định, khẳng định có tế bào nam trong vùng hậu môn của bé B, đủ cơ sở đối chiếu với mẫu ADN của Quang. ADN của Quang có hiện diện trong vùng phết hậu môn của bé B.
Đến ngày 06/01/2020, Kết quả giám định số 157A có nội dung: “Qua quá trình khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, chứng tỏ hiện tại bé B có độ tuổi từ trên 17 đến gần 17 tuổi sáu tháng. Như vậy tại thời điểm bị cho là bị xâm hại thì B đã đã hơn 17 tuổi”. Nhưng trong giấy khai sinh thì bé B sinh ngày 02/01/2005, tức tại thời điểm xảy ra sự việc, bé mới hơn 14 tuổi[7].
Có quan điểm cho rằng: Trong vụ án này “khi có đủ giấy tờ như giấy khai sinh, hộ khẩu… chứng minh được về năm sinh thì việc giám định tuổi là trái với Khoản 3 Điều 417 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, chỉ thực hiện giám định tuổi trong trường hợp không xác định được năm sinh.
Theo phía Luật sư bảo vệ cho người bị hại thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em trong vụ án này có nhận định: Trường hợp, “nếu theo kết quả giám định thì bé B được sinh ra trong khoảng thời gian từ tháng 5/2002 đến 11/2002. Trong khi đó, bé B có một người anh sinh ngày 27/03/2002. Vì thế kết quả giám định có sự mâu thuẫn vì người mẹ không thể sinh hai đứa con trong vòng vài tháng”.
Quy định của pháp luật về trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định là khi tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó (Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Theo quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi và được hướng dẫn bởi Thông tư số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH[8], về phối hợp thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nêu rõ: “1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: a) Giấy chứng sinh; b) Giấy khai sinh; c) Chứng minh nhân dân; d) Thẻ căn cước công dân; đ) Sổ hộ khẩu; e) Hộ chiếu.
2. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ.
3.Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng.”
Từ phân tích nêu trên căn cứ để xác định được những loại giấy tờ nào, xác minh ra sao trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn do các loại giấy tờ, lời khai của những người tham gia tố tụng có sự mâu thuẫn trong vụ án, kết quả giám định và tài liệu điều tra, thu thập được lại không trùng khớp với nhau. Điều này dẫn đến cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại không được đảm bảo. Do đó, để phù hợp vời thực tiễn cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách xác định độ tuổi của bị can, bị cáo, đặc biệt đối với người bị hại, người dưới 18 tuổi.
- Với thực tế đó, tác giả kiến nghị một số biện pháp khắc phục về xác định độ tuổi của nạn nhân trong việc giải quyết các vụ án về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”
Có thể thấy, hành vi phạm tội đối với tội này đã xâm phạm quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục đồng thời, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý của trẻ em. Trẻ em trong trường hợp này là người dưới 16 tuổi, trong độ tuổi trẻ em nên có một vài dấu hiệu thuộc về phía nạn nhân không giống với trường hợp hiếp dâm mà nạn nhân không phải là trẻ em như: Đối với nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải xác định việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, còn đối với nạn nhân dưới 13 tuổi thì dù nạn nhân có đồng ý hay không đồng ý giao cấu thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tuổi của nạn nhân (người bị hiếp) là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, thể hiện ngay trong tên của tội danh. Việc xác định tuổi của người bị hại trên cơ sở giấy khai sinh của họ nếu trường hợp mất giấy khai sinh hoặc không có giấy khai sinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng tất cả các biện pháp có thể được, để xác định tuổi thật của người bị hại. Cuối cùng nếu không còn cách nào để xác định tuổi thật của người bị hại, thì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.
Theo đó, tuổi thật của bị hại và người phạm tội có trường hợp không đúng với giấy tờ nhân thân của họ. Vì có nhiều trường hợp các loại giấy tờ hành chính như giấy khai sinh, hộ khẩu, học bạ,.… không thể hiện tuổi thực của người bị hại nên điều đó dẫn đến việc lẫn lộn giữa tội hiếp dâm với tội hiếp dâm trẻ em. Do đó việc tiến hành giám định tuổi của bị hại là cần thiết để định tội danh đúng pháp luật.
Từ những phân tích nêu trên, việc xác định độ tuổi thật của người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” phải được xem xét, điều tra kỹ lưỡng theo giấy tờ khai cá nhân của bị hại, từ lời khai người tham gia tố tụng đến các yếu tố diễn biến tại phiên tòa xét xử tránh tình trạng làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đồng thời trong trường hợp cần giám định thì phải kịp thời và có đại diện của gia đình, nhà trường, luật sư bảo vệ quyền lợi người bị hại chứng kiến việc lấy mẫu giám định để trẻ em, bị hại không ảnh hưởng đến tâm lý của người bị hại.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân để tiến hành thu thập chứng cứ, tình tiết của vụ án đảm bảo sự khách quan, trung thực trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án xâm hại tình dục nói chung và Hiếp dâm người dưới 16 tuổi nói riêng nhằm bảo vệ các nạn nhân liên quan đến các tội này đang có dấu hiệu ngày càng tăng lên trong đời sống xã hội.
Theo Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Xem thêm tại Báo Lao động, ngày 27/5/2020: https://laodong.vn/xa-hoi/tinh-trung-binh-cu-1-ngay-ca-nuoc-co-7-tre-em-bi-xam-hai-808251.ldo
[2] Xem thêm tại Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13 (Quốc Hội, ngày 27 tháng 11 năm 2015), (“Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015”).
[3] Thông báo rút kinh nghiệm số 08/2015/TB-VPT2-P2 ngày 22/03/2015 của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh được Tổng hợp bởi Luật sư Công ty Luật FDVN: https://fdvn.vn/wp-content/uploads/2020/05/tong-hop-89-thong-bao-rut-kinh-nghiem-cua-vien-kiem-sat-trong-linh-vuc-hinh-su-2014-2020-2.pdf
[4] Xem thêm tại Điều 205, Điều 206 Bộ luật Tố tụnh Hình sự 2015
[5] Luận văn thạc sĩ “Luật hình sự và Tố tụng Hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo pháp luật hình sự việt nam từ thực tiễn tỉnh Long An”: https://gass.edu.vn/CMS/Lists/LuanVan_LuanAn/Attachments/18333/luanvan_NguyenQuocViet.pdf
[6] Xem thêm tại Báo Tuổi trẻ ngày 08/9/2017: https://tuoitre.vn/tuyen-khong-pham-toi-tra-tu-do-cho-nghi-can-hiep-dam-tre-em-20170908153928395.htm
[7] Xem thêm tại Báo pháp luật, ngày 01/02/2020: https://plo.vn/phap-luat/da-co-giay-khai-sinh-sao-con-giam-dinh-886474.html
[8] Xem thêm tại Điều 6 Thông tư số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ tư pháp – Bộ lao động -Thương binh và xã hội, ngày 21 tháng 12 năm 2018), về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (“Thông tư số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH”).
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/