Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành án lệ số 30/2020/AL và được công bố theo Quyết định 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án TANDTC về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông. Theo đó, qua điều tra nếu xác định được người gây tai nạn cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông là hành vi phạm tội giết người.
Mặc dù các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông thời gian qua đã được xử lý kịp thời và nghiêm minh nhưng khung hình phạt của nhóm tội phạm này thấp hơn (do lỗi vô ý) so với hình phạt của nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng sức khỏe (lỗi cố ý). Thực tiễn có những vụ án xâm phạm an toàn giao thông không chỉ đơn thuần là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà còn chuyển hóa thành tội giết người.
Án lệ số 30/2020 được ban hành và có hiệu lực đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người gây tai nạn mà cố ý làm cho nạn nhân tử vong. Tuy nhiên thực tiễn mỗi vụ án có những đặc điểm riêng không giống hoàn toàn như nội dung của án lệ nên vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh, khung hình phạt đối với hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông. Do đó chưa có sự thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án.
Nội dung vụ án sau đây là một ví dụ về việc khó khăn trong xác định tội danh về hành vi gây tai nạn giao thông nhưng vẫn không dừng xe mà cố ý điều khiển phương tiện giao thông bỏ chạy gây hậu quả chết người:
Khoảng 22 giờ 25 phút, ngày 04/02/2020, Hoàng Văn T trú tại thôn C, huyện H, tỉnh Q điều khiển xe ô tô, BKS 73A – 045.xx chạy trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam, khi đến đoạn km 598 + 100, Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Đ, huyện T, tỉnh Q. Phát hiện phía trước cách đầu xe ô tô khoảng 3m có ông T.H.P đang dắt xe đạp đi qua đường theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, do không xử lý kịp nên xe ô tô BKS 73A – 045. xx do Hoàng Văn T điều khiển đã đâm vào ông P, làm xe đạp bị văng về trước bên trái, ông P bị cuốn mắc kẹt dưới gầm xe ô tô. Sau khi gây tai nạn, biết ông P bị cuốn đang mắc dưới gầm xe ô tô nhưng T không dừng lại mà tiếp tục đánh lái sang phải kéo lê ông P chạy khoảng 100 mét, T thấy xe bị ì nặng, đuối máy khó đi, nên T đạp chân côn cài từ số 4 về số 3 rồi đạp chân ga tiếp tục cho xe chạy khoảng 1,5km đến đoạn đường vắng người qua lại. T cho xe dừng lại, xuống xe quan sát thấy 02 chân của nạn nhân tại vị trí gắn biển số xe ô tô phía trước, T tiếp tục điều khiển xe gài số lùi xe cho xe lùi khoảng 02 mét thì nạn nhân rơi xuống đường. Sau đó, T đánh tay lái sang trái rồi điều khiển xe bỏ chạy vào đường liên thôn mục đích tránh trạm thu phí rồi về nhà ở huyện T H. Hậu quả ông T.H.P bị chết.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 164/TT, ngày 19/11/2019 của Trung tâm giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Q kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: Vùng mặt biến dạng, vùng đầu mặt bên phải có vết thương, kích thước 19 x 11cm, bờ mép vết thương nham nhỡ; Vỡ lún xương sọ vùng trán đỉnh thái dương phải, kích thước 9 x 7cm; Tổ chức não dập nát, phòi ra ngoài; Gãy sập xương gò má phải và xương hàm bên phải; Lồng ngực biến dạng, gãy cung trước các xương sườn từ số 2 đến số 9 ở cả hai bên, gãy xương bả vai phải. Gãy cung sau các xương sườn số 7, 8, 9, 10 bên phải. Nguyên nhân nạn nhân chết: Chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín.
Sau khi vụ án được thụ lý đã có nhiều quan điểm về xác định tội danh và khung hình phạt đối với T như sau:
Quan điểm thứ nhất: T chỉ phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định khoản 2 tại Điều 260 BLHS. Bởi vì khi điều khiển xe lưu thông trên đường T đã phát hiện ra nạn nhân nhưng do xe chạy tốc độ nhanh, xử lý kém nên T đã đâm vào nạn nhân gây tai nạn khiến ông T tử vong. Việc T điều khiển xe chạy tiếp 1,5km sau đó lùi lại để nạn nhân không bị giắt vào xe và điều khiển xe về nhà là do tâm lý hoảng loạn của T khi gây ra tai nạn nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đây là tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”. T không thể chắc chắn rằng khi điều khiển xe chạy tiếp nạn nhân có bị rơi ra hay không và có thể bị phát hiện. Do đó việc điều khiển xe kéo lê nạn nhân của T không phải là lỗi cố ý nên T không thể phạm tội “Giết người” mà chỉ phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 BLHS.
Quan điểm thứ hai: T phạm tội “Giết người” với tình tiết định khung “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi vì khi gây tai nạn cho ông P, T biết ông P bị mắc kẹt trong gầm xe nhưng không dừng lại đế cứu nạn nhân mà tiếp tục điều khiển xe ô tô kéo lê nạn nhân chạy khoảng 1,5km để tìm nơi vắng người cài số lùi cho nạn nhân rơi xuống rồi bỏ mặc nhằm trốn tránh trách nhiệm. T hoàn toàn có thể nhận thức được việc tiếp tục cho xe chạy kéo lê nạn nhân theo sẽ càng gây nguy hiểm cho nạn nhân và khiến thân thể của nạn nhân bị đau đớn, không nguyên vẹn trước khi chết và sự việc này sẽ gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân nhưng T vẫn cố ý thực hiện nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ gây hậu quả nạn nhân chết với rất nhiều thương tích. Do đó, T phải chịu TNHS về tội “Giết người” với tình tiết định khung “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quan điểm thứ ba: T phạm tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015. Vì hành vi của T điều khiển xe ô tô gây tai nạn là do T thiếu quan sát, xử lý kém nên đã vô ý gây tai nạn giao thông cho ông P. Sau khi tai nạn xảy ra T biết nạn nhân đang bị mắc kẹt dưới gầm xe nhưng không dừng lại mà cố ý điều khiển xe ô tô tiếp tục chạy, kéo lê ông P khoảng 1,5km, gài số lùi để ông P rơi ra khỏi gầm xe rồi bỏ mặc cho hậu quả xảy ra làm ông P tử vong với nhiều thương tích. Do đó hành vi của T không phải phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, cũng không phải phạm tội “Giết người” với tình tiết định khung tăng nặng “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” mà phạm tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS.
Quan điểm thứ ba cũng đồng thời là quan điểm của tác giả: Việc định tội danh này là phù hợp nhất, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo bởi vì: Nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ án là do bị cáo thiếu chú ý quan sát trong khi điều khiển xe ô tô nên đã gây ra tai nạn, làm ông P bị cuốn mắc kẹt dưới gầm xe ô tô của bị cáo, đó là lỗi vô ý. Nếu sau khi gây tai nạn, bị cáo dừng xe lại để kiểm tra tình trạng nạn nhân nhằm có cách xử lý phù hợp thì bị cáo chỉ phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định khoản 2 tại Điều 260 BLHS.
Tuy nhiên, sau khi gây tai nạn bị cáo biết nạn nhân đang mặc kẹt dưới gầm xe nhưng bị cáo vẫn cố ý điều khiển cho xe tiếp tục chạy, kéo lê nạn nhân một quãng đường dài khoảng 1,5km rồi gài số lùi để nạn nhân rơi ra khỏi xe, bỏ mặc nạn nhân làm cho ông P chết với nhiều thương tích trên cơ thể. Việc T điều khiển xe kéo lê nạn nhân rồi lùi xe đằn lên cơ thể nạn nhân làm cho nạn nhân chết nhằm trốn nghĩa vụ là hành vi cố ý. Do đó hành vi của T không phải phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” mà chuyển hóa thành tội “Giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS. Việc T cố ý điều khiển xe kéo lê nạn nhân và gài số lùi để nạn nhân rơi ra khỏi xe nhằm mục đích tránh bị phát hiện đã cấu thành tội giết người, do đó nếu xác định T phạm tội “Giết người” với tình tiết định khung tăng nặng “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 là chưa phù hợp với hành vi của bị cáo. Chính vì T cố ý điều khiển xe kéo lê nạn nhân và lùi xe lên nạn nhân nên hành vi của bị cáo T đã chuyển hóa thành tội “Giết người”. Vì vậy, T không phải chịu tình tiết định khung tặng tặng “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà chỉ phạm tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 với cấu thành cơ bản có mức hình phạt từ 07-15 năm tù là tương xứng với hành vi của bị cáo.
Mặc dù, đã có án lệ số 30/2020/AL và một số văn bản hướng dẫn về về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông là phạm tội “Giết người” nhưng trong thực tiễn mỗi vụ án có những tình tiết riêng hoặc có một số trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người bằng phương tiện giao thông nhưng quá trình điều tra, việc chứng minh tội phạm và thu thập chứng cứ cũng như xác định các tình tiết định khung tăng nặng như “Có tính chất cô đồ” hoặc “ Thực hiện tội phạm một cách man rợ”… còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thống nhất.
Do đó, để có đủ căn cứ và sự thống nhất trong việc giải quyết các vụ án có sự chuyển hóa từ tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” sang tội “Giết người”. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về các dấu hiệu chuyển hóa tội phạm, các tình tiết định khung tăng nặng khi áp dụng đối với tội phạm đã chuyển hóa nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được chặt chẽ, thống nhất, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.
CAO PHẠM TUÂN – TRẦN THỊ THU HIỀN/KIEMSAT.VN