Khái niệm “an ninh, quốc phòng” luôn được đề cập trong các quy định pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư. Hiện nay, chưa có một văn bản nào xác định rõ như thế nào là ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, hay tạo ra một tiêu chí, chuẩn mực đánh giá chung về các hành vi có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng trong lĩnh vực đầu tư. Từ góc độ của các nhà đầu tư, việc không có những quy định mang tính công khai, minh bạch liên quan đến khái niệm nói trên có thể gây ra không ít khó khăn trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, dẫn đến những hậu quả về mặt kinh tế, tài chính cho nhà đầu tư và sự nhập nhằng trong việc xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương (sau đây gọi chung là “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”). Nghiêm trọng hơn, nhiều nhà đầu tư có thể lợi dụng sự mập mờ này để thực hiện đầu tư trái pháp luật.
Từ khóa: an ninh quốc phòng, đầu tư, nhà đầu tư, đầu tư nước ngoài, quốc phòng, an ninh quốc gia
I. KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC ĐẶT RA KHI KHÔNG CÓ CHÍNH SÁCH CÔNG KHAI ĐỐI VỚI QUY TRÌNH THẨM DUYỆT YẾU TỐ “BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH QUỐC GIA”
1. Quy định pháp luật vẫn chưa được công khai, minh bạch
Vấn đề “an ninh, quốc phòng” đã được đề cập từ Luật Đầu tư 2014, nhưng vẫn không có văn bản nào quy định công khai và cụ thể như thế nào là ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Đến nay, khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, luật và các văn bản hướng dẫn luật cũng không đưa ra được tiêu chí công khai để đánh giá một dự án đầu tư có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia như thế nào. Một số quy định pháp luật có nhắc đến vấn đề “an ninh, quốc phòng” nhưng vẫn chưa đưa ra được một quan điểm nhất quán và tổng quan về ý nghĩa của cụm từ này, cũng như những khía cạnh mà dự án đầu tư có thể tác động vào tình hình an ninh, quốc phòng khi đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, một số điều khoản trong Luật Đầu tư 2020 có quy định yếu tố “an ninh, quốc phòng” khi xem xét, đánh giá về dự án đầu tư như sau:
- Theo quy định tại khoản 1, Điều 7 về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
- Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 24 thì “Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:… Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;”
- Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 32 thì “Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây: … Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”
- Theo quy định tại điểm e, khoản 6, Điều 34 thì “Nội dung thẩm tra đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:… Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của dự án đầu tư;”
- Theo quy định tại khoản 3, Điều 47 về Ngừng hoạt động của dự án đầu tư thì “Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.”
Như vậy, có thể thấy, yếu tố “an ninh, quốc phòng” trong việc đánh giá, thẩm định một dự án đầu tư mới, hay các hình thức đầu tư như góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế… đóng một vai trò vô cùng quan trọng, gần như mang tính quyết định đến kết quả thẩm định. Thế nhưng, cho đến nay, ngoại trừ quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện hoặc bị hạn chế đã được liệt kê cụ thể trong Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020 và Biểu cam kết WTO về thương mại, dịch vụ mà Việt Nam tham gia, vẫn chưa có bất kỳ văn bản công khai nào đưa ra khái niệm tổng quan, các tiêu chí đánh giá và xem xét tính ảnh hưởng quốc phòng, an ninh quốc gia khi thẩm định dự án đầu tư hoặc thẩm định, chấp thuận việc góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần, chuyển nhượng dự án, dẫn đến sự mập mờ trong cách nhận định của các nhà đầu tư, các nhà tư vấn, và sự hoang mang, thiếu chắc chắn của họ trong quá trình thực hiện đầu tư tại Việt Nam.
Điều này trước hết sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam khi họ là những người nước ngoài, không có hoặc có rất ít khả năng tiếp cận với các vấn đề chính trị tại Việt Nam, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân.
2. Hậu quả khi không có chính sách minh bạch, công khai khi xem xét yếu tố bảo đảm an ninh, quốc phòng của dự án đầu tư
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài khó có thể tự nhận định đúng vai trò của dự án trong việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia tại Việt Nam. Trong năm 2019 – 2020, Công ty luật FDVN tiếp nhận rất nhiều trường hợp khách hàng là các nhà đầu tư là cá nhân có dự định thành lập dự án đầu tư mới cũng như góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần trong các doanh nghiệp tại Thành phố Đà Nẵng. Khi được tư vấn các quy định pháp luật về đầu tư theo Luật Đầu tư 2014, các nhà đầu tư đều tỏ ra khá hoang mang về vấn đề “an ninh, quốc phòng”. Đa số các nhà đầu tư đều có quan điểm cho rằng, chỉ những hành vi như buôn bán vũ khí, chất cháy nổ, thâu tóm, thu mua số lượng lớn bất động sản bằng con đường gian dối, “lách luật”… thì mới được xem là ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia tại Việt Nam. Vì vậy, trên thực tế nhà đầu tư không nhận định đúng vai trò của dự án trong vấn đề an ninh, quốc phòng. Hầu như ở tất cả các trường hợp, cho đến khi nhận được công văn thông báo về việc không chấp thuận đề xuất dự án đầu tư vì lí do dự án có khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân dự án đầu tư bị từ chối cấp giấy phép. Điều này tiếp tục gây cản trở cho nhà đầu tư khi họ hoạch định chiến lược đầu tư mới, vì nhà đầu tư sẽ không biết khi nào dự án mới sẽ “bước lên vết xe đổ” của dự án đã bị từ chối cấp phép.
Thứ hai, nhà đầu tư sau gặp khó khăn khi xin cấp hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Năm 2019-2020, Công ty FDVN tiếp nhận một số dự án đầu tư có địa điểm thực hiện dự án tại khu vực biên giới biển Thành phố Đà Nẵng. Đa số các nhà đầu tư đều đã ký hợp đồng thuê mặt bằng, địa điểm thực hiện dự án đầu tư với số tiền đặt cọc và thanh toán trước lên đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư thực hiện việc di dời địa điểm thực hiện dự án đầu tư do thay đổi kế hoạch, mục tiêu, quy mô dự án cũng như tìm thấy cơ hội phát triển dự án tại địa điểm mới. Tuy nhiên, một số dự án đầu tư vấp phải sự từ chối cấp hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với lí do: địa điểm thực hiện dự án đầu tư nằm trong khu vực biên giới biển. Cụ thể, năm 2017, triển khai quy định của Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tại thời điểm đó đã có Công văn số 7417/UBND-NCPC chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp cắm mốc “Khu vực biên giới biển” tại 22 khu vực cụ thể trong 17 quận, huyện của Thành phố Đà Nẵng[1]. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài nếu không có sự tham vấn ý kiến pháp lý ngay từ ban đầu, sẽ rất khó nhận biết địa điểm mà dự án đầu tư được thực hiện nằm trong khu vực bị hạn chế đầu tư vì lí do an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đường biên giới biển.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư nước ngoài có sự thay đổi về địa điểm thực hiện dự án, đồng thời là trụ sở chính của tổ chức kinh tế, cũng vấp phải khó khăn trong việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thực tế việc điều chỉnh dự án đầu tư do thay đổi địa điểm như trên cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau khi được cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký doanh nghiệp lại bị từ chối cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với cùng một lí do điều chỉnh. Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán và thiếu sự phối hợp trong công tác kiểm tra, thẩm duyệt giữa các phòng, ban trong cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cấp đổi giấy phép. Vậy, một vấn đề đặt ra là, sau khi nhà đầu tư nước ngoài được cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với nội dung thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư đồng thời là trụ sở chính của tổ chức kinh tế, nhưng lại bị từ chối cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thì tổ chức kinh tế có được phép hoạt động tại địa điểm mới điều chỉnh hay không? Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp này có giá trị pháp lý ra sao? Rõ ràng, việc cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không chấp thuận việc điều chỉnh địa điểm có thể dẫn đến hậu quả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp đổi không có giá trị thực tiễn trong hoạt động của tổ chức kinh tế. Ngoài ra, nếu nhà đầu tư thực hiện dự án theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp đổi trong khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn còn ghi nhận địa điểm thực hiện dự án cũ, thì có thể đối mặt với nguy cơ bị xử lý theo quy định tại Khoản 5, Điều 13 của Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư[2].
Thứ ba, có nguy cơ nhà đầu tư sẽ tìm đến những phương án đầu tư trái pháp luật. Như đã phân tích ở trên, vì đa số nhà đầu tư nước ngoài không có đủ căn cứ để nhận định đúng đắn về mức độ ảnh hưởng của dự án đầu tư đến quốc phòng và an ninh quốc gia khi đầu tư tại Việt Nam, nên khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro không được cấp giấy phép, mất tiền đặt cọc và thuê địa điểm thực hiện dự án đầu tư… Vì vậy, các nhà đầu tư có thể tìm đến những phương án đầu tư trái pháp luật hoặc tìm cách “lách luật” để có thể đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể:
- Nhiều nhà đầu tư không đủ điều kiện để đầu tư như: ngành, nghề hạn chế đầu tư nước ngoài hoặc chưa có quy định “mở cửa” đối với nhà đầu tư nước ngoài, địa điểm thực hiện dự án đầu tư nằm trong khu vực nhạy cảm liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia… nên đã tìm đến phương án “thuê” người Việt Nam đứng tên trên hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bằng cách làm này, nhà đầu tư nước ngoài có thể bỏ qua thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tránh được việc các cơ quan chức năng thẩm định dự án và có thể hoạt động trong những ngành, nghề mà pháp luật hiện đang hạn chế hoặc cấm đầu tư có vốn nước ngoài.
- Việc thẩm tra dự án đầu tư nhiều lần với những tiêu chí không công khai, không cụ thể có thể làm nản lòng các nhà đầu tư, thậm chí tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư sách nhiễu và đòi hỏi quyền lợi cá nhân từ các nhà đầu tư. Để tránh tình trạng đó, các nhà đầu tư thường sẽ tìm cách bất hợp pháp hoặc gian dối để đầu tư vào Việt Nam, đồng thời lợi dụng công tác hậu kiểm còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng để thực hiện hoạt động đầu tư trái với mục tiêu dự án, quy mô và tiến độ đầu tư như đã ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thứ tư, nhà đầu tư có nguy cơ đánh mất thời cơ trong kinh doanh khi các tiêu chí đánh giá mức độ và khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh quốc gia chưa được cụ thể. Trong quá trình chờ đợi thẩm duyệt dự án đầu tư, nhà đầu tư có thể đánh mất thời cơ quan trọng để đầu tư vào thị trường, dẫn đến mất hoàn toàn hoặc giảm sức cạnh tranh. Ví dụ, Công ty TNHH Thương mại The Connolly với 100% vốn nước ngoài (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 3290047600 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng cấp ngày 17/02/2020) đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ ngày 09/12/2019 nhưng mãi đến ngày 17/02/2020 (tức gần 2 tháng sau) mới được chấp thuận và cấp Giấy phép. Tại thời điểm đó, vì lí do đầu tư vào địa điểm gần khu vực biên giới biển, nên dù mục tiêu dự án đầu tư hướng đến việc cải thiện và bảo vệ môi trường, dự án vẫn phải trải qua quy trình thẩm duyệt về yếu tố ảnh hưởng an ninh, quốc phòng. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong kế hoạch kinh doanh của hai nhà đầu tư nước ngoài của dự án Công ty TNHH Thương mại The Connolly tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật quy định tiêu chí “bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia” khi đánh giá, thẩm định dự án đầu tư là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, sẽ không thực sự công bằng và hiệu quả, từ góc độ của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, khi không có văn bản công khai quy định cụ thể về khái niệm, tiêu chí đánh giá và mức độ ảnh hưởng của dự án đầu tư đối với chủ quyền và an ninh quốc gia.
3. Những khó khăn và thách thức đặt ra khi công khai quy định về “an ninh, quốc phòng” khi thẩm duyệt dự án đầu tư
Thứ nhất, vấn đề chính trị và chủ quyền biên giới là vấn đề nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam và các nước khác. Không thể phủ nhận rằng các vấn đề liên quan đến chính trị luôn nhạy cảm đối với mỗi quốc gia, nhất là trong thời kỳ tranh chấp về chủ quyền biển đảo và tình hình Biển Đông giữa Việt Nam – Trung Quốc đang vô cùng “nóng”. Việc công khai hạn chế đầu tư ở một số địa bàn có vị trí địa chính trị nhạy cảm hoặc hạn chế đầu tư liên quan đến quốc tịch của nhà đầu tư, ngành nghề đầu tư… có thể gây nên tình trạng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia khác, ảnh hưởng tiêu cực đến các hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, việc công khai các tiêu chí cụ thể để đánh giá và thẩm định mức độ ảnh hưởng của dự án đầu tư đối với chủ quyền và an ninh quốc gia có thể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư “lách luật”, đầu tư trái pháp luật. Khi nắm rõ những tiêu chí cụ thể để các cơ quan chức năng thẩm định dự án đầu tư liên quan đến yếu tố “an ninh, quốc phòng”, các nhà đầu tư không có đủ điều kiện có thể dựa trên những tiêu chí đó để tìm phương án “lách luật”. Một trường hợp điển hình của hành vi biết rõ quy định pháp luật nhưng cố tình lách luật chính là những dự án đầu tư bất động sản ven biển Đà Nẵng của các cá nhân, thương nhân có quốc tịch Trung Quốc. Nắm rõ quy định tại Điều 5 và Điều 169 của Luật Đất đai 2013[1], các cá nhân, thương nhân Trung Quốc đã lợi dụng người Việt Nam đứng tên để sở hữu đất tại những khu vực mang tính trọng yếu về an ninh, quốc phòng[2]. Tình trạng này rất khó phát hiện khi các giao dịch mua bán quyền sử dụng đất đều được thực hiện dưới tên người Việt Nam, thực hiện đúng theo quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng tiền giao dịch là Việt Nam đồng từ tài khoản của người Việt Nam, hoặc việc huy động vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trải qua nhiều công đoạn, khó truy vết nguồn tiền.
II. ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ 2020 LIÊN QUAN ĐẾN QUỐC PHÒNG, AN NINH QUỐC GIA
Đối mặt với những khó khăn, thách thức liên quan đến việc quy định về vấn đề “an ninh, quốc phòng” liên quan đến hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài, cho đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật hay chính sách nào công khai điều chỉnh vấn đề trên. Có thể thấy, vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia trong hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài khiến cho các cơ quan có thẩm quyền lẫn nhà đầu tư đều rơi vào tình huống bị động và tiến thoái lưỡng nan.
Hiện tại, Luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực thi hành và thay thế hoàn toàn Luật Đầu tư cũ, các văn bản dưới luật sẽ lần lượt được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020. Trong đó, theo ý kiến của tác giả bài viết, vấn đề về an ninh, quốc phòng cần phải có hướng dẫn cụ thể như sau:
i. Định nghĩa cụ thể về an ninh, quốc phòng trong hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài, để tránh những cách hiểu sai lệch hoặc không đầy đủ về khái niệm “bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”, “làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia”.
ii. Các cơ quan thẩm duyệt dự án đầu tư ở các cấp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể theo tình hình mỗi địa phương về các tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá dự án đầu tư nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Một số tiêu chí cần phải làm rõ để tránh trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chịu tổn thất về tài chính và cơ hội kinh doanh như: Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, số vốn đầu tư tối thiểu trong các ngành, nghề kinh doanh mà nhà đầu tư được phép góp 100% vốn góp (tránh tình trạng “vốn mỏng”, từ chối cấp phép khi chưa có quy định về vốn tối thiểu, gây hoang mang cho các nhà đầu tư nước ngoài), hạn mức giao đất cho mỗi dự án đầu tư có nhu cầu về sử dụng đất. Giao cho cơ quan có thẩm quyền ở mỗi địa phương thực hiện thẩm tra, rà soát, lấy ý kiến của cơ quan cấp Bộ và có văn bản phản hồi cụ thể cho từng trường hợp.
iii. Thực hiện song song với việc ban hành quy chế đánh giá sự ảnh hưởng của dự án đầu tư đối với an ninh, quốc phòng, cần thiết lập quy trình và tiêu chí thanh tra, rà soát an ninh, quốc phòng đối với các dự án đã đi vào hoạt động, tránh trường hợp thực hiện dự án đầu tư trái quy định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trái quy định pháp luật. Việc tổ chức thanh tra cần thường xuyên theo định kỳ, báo trước và không báo trước để tránh sự chuẩn bị có chủ đích của các nhà đầu tư.
iv. Chú trọng rà soát các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam do người nước ngoài làm đại diện theo pháp luật, trường hợp thu mua bất động sản dưới tên người Việt Nam, tránh trường hợp người nước ngoài đầu tư “núp bóng”.
v. Việc áp dụng quy định về đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia cần có sự thống nhất giữa các phòng ban, bộ phận trong cơ quan có thẩm quyền, giữa các cơ quan nhà nước tại địa phương và các cơ quan cấp bộ, tránh trường hợp nhà đầu tư không được chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư trong khi cùng một nội dung điều chỉnh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới đã được cấp cho tổ chức kinh tế của nhà đầu tư.
vi. Đối với dự án đầu tư được xác định làm phương hại hoặc có nguy cơ làm phương hại đến quốc phòng và an ninh quốc gia, cần quy định rõ thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp, để hạn chế tối đa việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước.
Kết luận
Thông qua những quy định pháp luật về đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia trong Luật Đầu tư 2020, có thể nhận thấy các nhà làm luật đang hướng đến tinh thần loại bỏ hoàn toàn những yếu tố làm phương hại hoặc có nguy cơ làm phương hại đến an ninh, quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Tuy nhiên, sự nhập nhằng, không nhất quán và thiếu tính cụ thể, minh bạch trong các tiêu chí xác định và đánh giá yếu tố ảnh hưởng an ninh, quốc phòng lại làm phát sinh nhiều hậu quả và hệ lụy đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện rót vốn vào thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, cần đặt ra những quy chế, quy định và phương án thực thi tinh thần chung của pháp luật một cách chặt chẽ, hiệu quả, để khuyến khích và thúc đẩy nguồn vốn FDI, mở cửa cho các nhà đầu tư có định hướng kinh doanh chân chính, các dự án đầu tư minh bạch, tiềm năng.
Theo Bùi Trần Thùy Vy – Công ty Luật FDVN
[1] Theo quy định tại Điều 5 và Điều 169 của Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
[2] Theo Trung Kiên, “Kiểm soát chặt chẽ đầu tư nước ngoài có liên quan tới yếu tố quốc phòng, an ninh”, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/kiem-soat-chat-che-dau-tu-nuoc-ngoai-co-lien-quan-toi-yeu-to-quoc-phong-an-ninh-1491865558, truy cập ngày 11/03/2021.
[3] Theo Quỳnh Nga, “Cắm mốc khu vực biên giới biển”, https://baodanang.vn/channel/5399/201803/cam-moc-khu-vuc-bien-gioi-bien-2591358/, truy cập ngày 10/03/2021.
[4] Nội dung Khoản 5, Điều 3 của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP:
“5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- a) Không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư (đối với trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư;
[5] Luật đầu tư số 67/2014/QH13;
[6] Luật đầu tư số 61/2020/QH14;
[7] Luật đất đai số 45/2013/QH13
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/