Trong tố tụng dân sự, việc xét xử vụ án tại Tòa án cần đảm bảo tính liên tục, công bằng và đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc xét xử không thể tiếp tục do xuất hiện những tình huống khách quan, dẫn đến việc Hội đồng xét xử buộc phải tạm ngừng phiên tòa. Thủ tục này nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự cũng như góp phần vào việc giải quyết vụ án một cách công bằng, khách quan.
Mặc dù chưa có định nghĩa cụ thể về khái niệm tạm ngừng phiên toà, nhưng tại Điều 259 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định về các trường hợp tạm ngừng phiên tòa, điều kiện thực hiện, thời hạn và trình tự tố tụng liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong quá trình xét xử cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Thứ nhất, các căn cứ tạm ngừng phiên tòa theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 259 BLTTDS năm 2015, Hội đồng xét xử có thể quyết định tạm ngừng phiên tòa khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
Một là, người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục phiên tòa do lý do khách quan, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng hoặc trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt: Trường hợp này có thể bao gồm lý do sức khỏe, sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, hoặc trở ngại khác.
Hai là, cần xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa: Khi nhận thấy một số tài liệu, chứng cứ quan trọng chưa đầy đủ mà nếu không thực hiện việc xác minh thu thập tài liệu này thì không thể giải quyết được vụ án, thì Hội đồng xét xử có thể quyết định tạm ngừng.
Ba là, chờ kết quả giám định bổ sung hoặc giám định lại: Khi có tranh chấp về nội dung giám định hoặc có yêu cầu giám định lại, phiên tòa phải tạm ngừng để có kết quả chính thức.
Bốn là, các đương sự thống nhất đề nghị tạm ngừng để tự hòa giải.
Năm là, cần báo cáo Chánh án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.
Thứ hai, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thủ tục tạm ngừng phiên tòa. Mặc dù pháp luật đã quy định tương đối rõ ràng về các căn cứ tạm ngừng phiên tòa, nhưng trong thực tiễn áp dụng vẫn phát sinh nhiều vướng mắc.
Một là, không thống nhất về hình thức quyết định tạm ngừng phiên tòa. Theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015, “việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa”. Tuy nhiên, quy định này chưa làm rõ liệu có cần ban hành quyết định tạm ngừng phiên toà riêng hay chỉ ghi nhận trong biên bản. Nếu hiểu theo hướng chỉ cần ghi trong biên bản phiên toà, thì đối với những trường hợp người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa sẽ không biết được việc tạm ngừng phiên tòa, căn cứ tạm ngừng phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đồng thời, theo Điều 51 Bộ luật TTDS 2015, nhiệm vụ ghi biên bản phiên toà là của Thư ký phiên toà, vậy nếu lý do tạm ngừng là tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất kháng, trở ngại khách quan mà Thư ký không thể tiến hành tiếp tục phiên tòa thì ai là người ghi vào biên bản việc tạm ngừng phiên tòa. Bên cạnh đó, biểu mẫu về quyết định tạm ngừng phiên toà lại được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Mẫu số 50-DS). Như vậy cũng có thể hiểu bắt buộc phải ban hành “Quyết định tạm ngừng phiên toà” thay vì chỉ ghi nhận trong biên bản phiên toà. Thực tiễn cho thấy một số Tòa án ra quyết định tạm ngừng bằng văn bản riêng để đảm bảo tính minh bạch, một số khác chỉ ghi nhận trong biên bản phiên tòa mà không ban hành quyết định riêng, dẫn đến tranh cãi về giá trị pháp lý của quyết định tạm ngừng phiên toà. Sự không thống nhất về quy định đã gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng và dẫn đến khiếu nại của đương sự khi họ không nhận được quyết định tạm ngừng phiên toà chính thức từ Toà án. Tác giả đề xuất bổ sung quy định cụ thể trong đó nêu rõ việc tạm ngừng phiên toà phải được lập thành quyết định riêng biệt để thống nhất áp dụng và phù hợp với thực tiễn cũng như tinh thần của Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP.
Hai là, chưa có hướng dẫn chi tiết về thời hạn tạm ngừng phiên toà. Khoản 2 Điều 259 BLTTDS quy định thời hạn tạm ngừng phiên toà không quá 01 tháng kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế có thể phát sinh tình huống đến ngày cuối cùng của thời hạn 01 tháng nêu trên thì lý do tạm ngừng phiên tòa mới không còn. Nếu quy định Hội đồng xét xử phải ngay lập tức tiếp tục tiến hành phiên tòa trong khoảng thời gian giới hạn không quá 01 tháng (kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa) thì có thể không đủ thời gian để triệu tập đầy đủ người tham gia tố tụng, gây khó khăn cho việc xét xử. Để khắc phục vấn đề này, cần bổ sung quy định về một khoảng thời gian hợp lý kể từ khi lý do tạm ngừng phiên tòa không còn, nhằm đảm bảo Hội đồng xét xử có thể tiếp tục phiên tòa mà vẫn đáp ứng yêu cầu tố tụng.
Ba là, chưa có quy định cụ thể về căn cứ xác định tình trạng sức khoẻ của đương sự. Hiện nay lý do phổ biến nhất mà các đương sự sử dụng để tạm ngừng phiên toà thường là tình trạng sức khoẻ dẫn đến trên thực tế có nhiều vụ án các đương sự “sắp xếp” thay nhau ốm để kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về việc yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ thể hiện tình trạng sức khoẻ do đó dẫn đến các đưng sự lạm dụng quy định này. Tác giả đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể hoặc quy định liên quan đến nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của các đương sự để chứng minh cho căn cứ tạm ngừng phiên toà.
Thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong tố tụng dân sự là một cơ chế cần thiết để đảm bảo quá trình xét xử được thực hiện công bằng, đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các đương sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này vẫn tồn tại nhiều điểm chưa thống nhất, từ việc ban hành quyết định tạm ngừng đến thời hạn thực hiện, gây ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả xét xử. Do đó, việc hoàn thiện các quy định liên quan, bổ sung hướng dẫn chi tiết và thống nhất thực tiễn áp dụng là điều cần thiết. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng xét xử mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong tố tụng dân sự.
Theo Luật sư Thảo Nguyên – Công ty Luật FDVN
………………….
Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, quận Thuận Hoá, Thành phố Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 2, Star Tower, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Tầng 2, tòa nhà Cửa Tiền Phố, đường Hồ Hữu Nhân, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn