Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / BÀN VỀ QUYỀN ĐƯỢC BẢO VỆ DANH DỰ, NHÂN PHẨM TRONG MÔI TRƯỜNG INTERNET

BÀN VỀ QUYỀN ĐƯỢC BẢO VỆ DANH DỰ, NHÂN PHẨM TRONG MÔI TRƯỜNG INTERNET

Tóm tắt

Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng người sử dụng internet cao nhất trên thế giới[1]. Sự phát triển “chóng mặt” của internet và mạng xã hội tại Việt Nam đã dẫn đến những khó khăn việc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của con người. Trong bài viết này, tác giả sẽ nêu lên những rủi ro về sự xâm phạm danh dự, nhân phẩm trong môi trường internet, xuất phát từ cơ chế quản lý lỏng lẻo của pháp luật, và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng, để đảm bảo quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người.

Từ khóa: “danh dự”, “nhân phẩm”, “môi trường internet”, “bảo vệ danh dự nhân phẩm”

Lời mở đầu

Quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế và được công nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Trong thời đại 4.0, internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đều phát triển với tốc độ nhanh chóng, đem lại nhiều tiện ích cho con người, nhưng cũng kéo theo những hệ lụy khôn lường. Một trong những vấn đề “nổi cộm” trong những năm gần đây chính là việc bảo vệ quyền khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm trong môi trường internet, khi pháp luật về an ninh mạng chưa thực sự được thực thi một cách có hiệu quả, chế tài chưa chặt chẽ, với các quy định chưa theo kịp với sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng phức tạp của mạng xã hội.

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN:

  1. Cơ sở lý luận về quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm

Quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm được công nhận từ rất sớm bởi các văn kiện quốc tế liên quan đến quyền con người. Cụ thể, tại tại Điều 1 và Điều 2 của Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948, quyền con người được ghi nhận như sau: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền, đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm, và cần phải đối xử với nhau bằng tình anh em”. Bên cạnh đó, Điều 12 của Tuyên ngôn này cũng khẳng định: “Không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân…”. Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng ghi nhận: “Không ai bị can thiệp một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”. Có thế thẩy, các văn kiện quốc tế được công nhận rộng rãi trên thế giới đã ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về danh dự, uy tín, nhân phẩm như một phần quyền nhân thân của con người.

Việt Nam là một trong những quốc gia thừa nhận và bảo vệ quyền nhân thân của con người, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm. Tiêu biểu, ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị. Trước khi tham gia vào các công ước này, Việt Nam đã có sự thừa nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người trong Hiến pháp năm 1980, cụ thể tại Điều 70: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm”. Đến năm 2013, Hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”[2]. Cụ thể hóa các quy định này, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định cụ thể về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín tại Điều 34, Khoản 1 của Điều 584 và Điều 592 về các nguyên tắc bồi thường và đối tượng phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Các văn bản pháp luật khác cũng có sự ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm và các chế tài khi xâm phạm quyền. Cụ thể, tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 về tội làm nhục người khác và Điều 156 về tội vu khống người khác. Ngoài ra, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2020 cũng đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên môi trường mạng[3]. Như vậy, có thể thấy, quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm đã được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ thông qua nhiều văn bản pháp luật.

  1. Cơ sở lý luận về bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người qua môi trường mạng

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm của con người là những khái niệm khá trừu tượng và mông lung, khi chưa đặt ra được những tiêu chí nhất định để xác định có hay không việc xâm phạm quyền và đánh giá mức độ xâm phạm quyền. Bên cạnh đó, việc phán xét sự xâm phạm còn phụ thuộc khá nhiều vào các chuẩn mực đạo đức và hậu quả thực tế đối với người bị xâm phạm. Xuất phát từ đặc điểm này, việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của con người trong môi trường mạng internet đang là một thách thức rất lớn đối với các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực đã đặt những “viên gạch” đầu tiên, xây dựng nền móng cho việc bảo vệ quyền nhân thân của con người trong môi trường mạng internet. Trên tinh thần của Luật này, những hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; đưa ra thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được xem là thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật[4]. Tuy nhiên, những quy định của Luật An ninh mạng 2018 còn khá chung chung và chưa thực sự đặt ra những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người, cũng chưa bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng và ngày càng phức tạp của mạng xã hội. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng 2018 còn khá bất cập trong việc điều chỉnh các hành vi đa dạng của người dùng internet để có thể phòng ngừa và xử lý các trường hợp xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người khác.

  1. Mối quan hệ giữa quyền tự do ngôn luận với sự xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm

Bên cạnh quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, quyền tự do ngôn luận cũng là một trong số những quyền con người được ghi nhận và bảo vệ từ rất sớm trong các văn kiện quốc tế.  Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền 1948 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới”. Bên cạnh đó, Điều 29 của Tuyên ngôn này cũng nêu rằng: “1. Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ; 2. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ; 3. Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hiệp quốc”.

Quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam cũng được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 như sau: “Điều 25. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đây là quy định mang tính chất nguyên tắc để các nhà lập pháp triển khai các quy định có giá trị pháp lý thấp hơn, vì vậy, nó chưa có sự hạn chế cụ thể đối với quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, tại Điều 20, Hiến pháp 2013 vẫn khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Cụm từ “bất kỳ hình thức đối xử nào khác” có tính khái quát cao, trong đó có cả hình thức xúc phạm bằng lời nói, bằng từ ngữ thể hiện dưới dạng văn bản, và các hình thức đối xử khác.

Có thể thấy rằng, ở các đạo luật mang tính nguyên tắc như các văn kiện quốc tế và Hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, quyền tự do ngôn luận vẫn được công nhận như một quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận vẫn bị hạn chế nếu nó xâm phạm và gây thiệt hại đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác. Như vậy, thực thi và bảo đảm quyền tự do ngôn luận của con người không được đi ngược lại với các chuẩn mực đạo đức xã hội, các lợi ích chính đáng của con người và cộng đồng.

II. THỰC TRẠNG VỀ SỰ XÂM PHẠM QUYỀN BẢO VỆ DANH DỰ, NHÂN PHẨM CỦA NGƯỜI KHÁC QUA MẠNG INTERNET

Tốc độ phát triển nhanh chóng của internet như một con dao hai lưỡi. Một mặt, phương thức biểu đạt của con người đã phát triển đến một tầm cao mới, vươn ra khỏi biên giới quốc gia, tạo điều kiện cho sự tự do ngôn luận, xóa mờ lằn ranh của các nền văn hóa, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của internet chính là vô số hành vi xâm phạm quyền con người ẩn dưới tên giả, hình ảnh giả. Việc tạo lập một tài khoản trên mạng xã hội mà không cần công khai danh tính, nghề nghiệp, nơi ở, số điện thoại… dần tạo điều kiện cho con người giao tiếp một cách rộng rãi, nhanh chóng, mà không để lộ thông tin cá nhân. Vì lí do đó, không ít cá nhân đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận ở trong môi trường khó xác định được danh tính người phát ngôn, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các nền tảng mạng xã hội, các chức năng ẩn danh trình duyệt… để thực hiện hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Những hành vi này thường khó bị phát hiện và điều tra một cách rốt ráo, bởi lẽ, việc chứng minh chủ thể thực hiện và hậu quả của thiệt hại đều khá khó khăn và thiếu tính chính xác. Một hình thức bôi nhọ danh dự, nhân phẩm khá phổ biến nhưng chủ thể thực hiện hành vi thường rất ít khi phải đối mặt với chế tài của pháp luật chính là những hội nhóm trên facebook như: hội nhóm bóc “phốt” các công ty, cửa hàng, hội nhóm antifans của nghệ sĩ… Bên cạnh đó, nhiều đối tượng được thuê mướn để lập các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, hoặc những tài khoản phụ mà không ai biết chính xác danh tính của người lập, để tiến hành các hành vi bôi nhọ, vu khống, xúc phạm người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân. Hầu hết những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đều để lại những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống cá nhân của người bị hại như: ảnh hưởng về tinh thần, làm giảm sút uy tín, ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ trong xã hội.

Thực tế có rất nhiều trường hợp quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người bị xâm phạm thông qua mạng internet đã được đưa ra pháp luật. Trong hầu hết các trường hợp này, việc xác định có hay không có hành vi xâm phạm thường gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, trong bản án dân sự sơ thẩm số 289/2019/DS-ST về tranh chấp bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm ngày 29/05/2019 do Toà án nhân dân quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giữa nguyên đơn là Trường Mầm Non H và bị đơn là Ông Nguyễn Thanh Đ., bị kháng cáo và xét xử theo thủ tục phúc thẩm với Bản án phúc thẩm số 735/2019/DS-PT ngày 21/08/2019 do Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý, cả Tòa cấp sơ thẩm và Tòa cấp phúc thẩm đều đưa ra nhận định: “Phía nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông Nguyễn Huy H là người tạo ra và là người sử dung Facebook với tên gọi “ H N” để đăng tin nói trên gây thiệt hại cho Trường mầm non H và cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh lý do nghỉ học của 11 học sinh là do đọc thông tin trên Facebook “ H N””[5]. Bên cạnh đó, việc xác minh sự thực đằng sau những tài khoản ảo trên mạng xã hội đều mang tính tương đối và gặp nhiều khó khăn, khi không có đủ căn cứ chứng minh hành vi xâm phạm, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm, hệ lụy của hành vi đó. Đó là chưa kể đến những trường hợp tài khoản bị ăn cắp mật khẩu, bị điều khiển từ xa bởi các ứng dụng, phần mềm.

Cũng xuất phát từ việc “ẩn danh” trên mạng xã hội, việc khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm cũng gặp khó khăn khi xác định nơi cư trú của bị đơn, gây khó khăn trong việc xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm về danh dự, nhân phẩm. Trên môi trường Internet, một lời nói ngắn ngủi không rõ danh tính người phát ngôn đã có thể gây tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, người bị hại có thể sẽ không biết được ai là người đang xâm phạm mình, hoặc biết được ai đang xâm phạm mình thì việc tìm ra nơi cư trú, thông tin liên lạc, nhân thân… là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, một thách thức đặt ra đối với cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về danh dự, uy tín và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức thông qua mạng Internet chính là xác định đúng và đầy đủ nhân thân, thông tin liên lạc và địa chỉ cư trú của người có hành vi xâm phạm để thực hiện việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết. Việc xác định địa chỉ truy cập có thể được thực hiện thông qua các công dụng dò IP của thiết bị, tuy nhiên, việc dò IP thiết bị truy cập không khả quan khi người dùng sử dụng thiết bị công cộng, sử dụng các thiết bị không thuộc quyền sở hữu của người đó, hoặc người dùng di chuyển qua nhiều địa điểm. Chưa kể đến một số website có tính năng và cam kết bảo mật thông tin tài khoản người dùng để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, khi đó, các website này sẽ tự động mã hóa các thông tin được cung cấp bởi người dùng. Đặt trong tình huống người được che giấu thông tin cá nhân có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì các cam kết không tiết lộ danh tính có thể là rào cản trong việc nhanh chóng xác định địa chỉ cư trú của người vi phạm, cũng như thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

III. KINH NGHIỆM CỦA CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

  1. Các quốc gia trên thế giới đã siết chặt an ninh mạng như thế nào?

1.1. Các quốc gia EU

Các quốc gia EU có quy định khá nghiêm ngặt đối với các công ty công nghệ thông tin sở hữu mạng xã hội hay các nền tảng truy cập mạng để đảm bảo an ninh, chống lại những ngôn từ phỉ báng, xúc phạm và gây thù ghét. Cụ thể, “Thông báo của Ủy Ban Châu Âu và các Công ty công nghệ thông tin về Quy tắc ứng xử về lời nói gây thù ghét trực tuyến” đã đưa ra các cam kết công khai mang tính chất đặt trách nhiệm cho các công ty công nghệ thông tin trong việc đảm bảo an ninh và lợi ích cộng đồng trên nền tảng do mình sở hữu. Ví dụ, các Công ty phải có các quy trình rõ ràng và hiệu quả để rà soát những nội dung gây thù ghét và hạn chế truy cập vào những nội dung đó, đồng thời phải có quy tắc hoặc nguyên tắc cộng đồng nghiêm cấm sự kích động thù địch. Các Công ty này cũng sẽ xem xét các báo cáo hợp lệ để xóa ngôn từ gây thù ghét, xúc phạm và phỉ báng người khác dựa trên các quy tắc và nguyên tắc cộng đồng. Ngoải ra, các Công ty này phải giáo dục và nâng cao nhận thức với người dùng về các nội dung bị cấm theo quy tắc và nguyên tắc cộng đồng mà họ đã đưa ra…[6]

Trên thực tế, Facebook và Youtube có các tính năng báo cáo các nội dung gây thù ghét, xúc phạm, bôi nhọ, sai sự thật. Những tài khoản bị báo cáo với các lí do trên cũng sẽ bị vô hiệu hóa. Quy tắc và nguyên tắc cộng đồng của Facebook còn ngăn chặn những tài khoản sử dụng tên có dấu hiệu giả mạo.

1.2. Trung Quốc

Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia có sự quan tâm đến an ninh mạng, chống các ngôn từ thù địch, phỉ báng và xúc phạm người khác. Trung Quốc không có chính sách “chào đón” các nền tảng quốc tế như Facebook, Youtube, Google… vào môi trường ảo của quốc gia này, thay vào đó, họ tạo lập các nền tảng nội địa như Weibo, Baidu… Chính nhờ sự khác biệt trong chính sách quản lý và vận hành các nền tảng mạng xã hội, nền tảng truy cập tìm kiếm mà Trung Quốc dễ dàng quản lý các hoạt động trực tuyến của người dùng.

Đối với mạng xã hội Weibo, người dùng buộc phải đăng ký các thông tin cá nhân, càng rõ ràng sẽ có điểm “dương quang” và điểm “uy tín” càng cao. Điều này đòi hỏi người dùng phải xác nhận số điện thoại, tên thật, nơi làm việc… và có những tương tác tích cực trên mạng xã hội để hạn chế mọi trường hợp bị công ty công nghệ thông tin khóa tài khoản. Việc tương tác tích cực trên mạng xã hội cũng là một cách để giữ gìn tài khoản của người dùng. Bên cạnh đó, công ty công nghệ thông tin sở hữu Weibo sẽ loại bỏ và xóa sổ các tài khoản có lượt báo cáo cao vì vi phạm quy tắc và nguyên tắc cộng đồng của họ.

  1. Đề xuất cho luật pháp Việt Nam trong việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm trên môi trường mạng

Những thực trạng nhức nhối về sự xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người khác xuất phát từ các cơ chế quản lý tài khoản không chặt chẽ của mạng xã hội, sự thiếu sót của các quy định pháp luật và cả ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế của người dân. Từ kinh nghiệm của Châu Âu và Trung Quốc, tác giả cho rằng, Việt Nam cần có những phương hướng và chính sách chặt chẽ, thiết thực hơn trong việc cải thiện trật tự, an ninh mạng.

Thứ nhất, Luật An ninh mạng 2018 chỉ mới nêu những nguyên tắc chung để đảm bảo an ninh quốc gia và chống các thế lực thù địch, chưa có những quy định cụ thể và chặt chẽ về việc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của con người trên môi trường mạng. Vì vậy, cần có những văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa các quy tắc của Luật An ninh mạng 2018 về “các nội dung làm nhục, vu khống” để ngăn chặn những hành vi xúc phạm nghiêm trọng và đưa ra thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Thứ hai, cần có quy định cụ thể để hướng dẫn công dân báo cáo các hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm, vu khống và hạ thấp uy tín của người khác. Ngoại trừ các khoản bồi thường theo Bộ luật Dân sự 2015 đối với thiệt hại về danh dự, nhân phẩm[7] và các mức phạt về tội làm nhục người khác trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017[8], theo điểm a, Khoản 1, Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Tuy nhiên, cần phải có các hướng dẫn cụ thể về quy trình trình báo các hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm để công dân tự bảo vệ quyền của chính mình.

Thứ ba, khi tiếp nhận báo cáo của người có quyền lợi bị xâm phạm, tùy theo mức độ của vụ việc, các cơ quan làm công tác tiếp nhận cần phải có ý thức xem trọng nhất định đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về danh dự và nhân phẩm của con người trên mạng xã hội, tiếp nhận báo cáo của công dân một cách công khai, minh bạch, nhanh chóng để xử lý triệt để, bằng việc kết hợp giữa các quy định pháp luật và ứng dụng công nghệ.

Kết luận

Quyền tự do ngôn luận luôn được tôn trọng, đề cao và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ trong môi trường internet. Việc công nhận và bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội có ảnh hưởng tích cực đến sự giao lưu văn hóa, phát triển tri thức của loài người, nhưng cũng kéo theo hệ lụy về sự xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người khác. Trong bối cảnh internet phát triển “chóng mặt”, luật pháp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bắt kịp với tốc độ biến đổi đa dạng của mạng xã hội và hành vi người dùng. Vì vậy, cần có những cách nhìn nhận sâu sắc hơn đối với hệ lụy mà sự xâm phạm quyền thông qua mạng xã hội đem lại, để đưa ra những phương hướng thiết thực hơn nhằm đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm và uy tín của con người.

Theo Bùi Trần Thùy Vy – Công ty Luật FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Châu Như Quỳnh (2018), “Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới”, https://dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-la-mot-trong-nhung-nuoc-co-toc-do-phat-trien-internet-nhanh-nhat-the-gioi-20181204153607948.htm, xem ngày 27/12/2020

[2] Xem Điều 20, Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 2013, được Quốc Hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013.

[3] Xem điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP

[4] Theo Khoản 3, Điều 16, Luật An ninh mạng 2018

[5] Xem thêm bản án 735/2019/DS-PT ngày 21/08/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm.

[6] Thông cáo báo chí của Ủy ban Châu Âu về việc “Ủy ban Châu Âu và các công ty IT thông báo về Quy tắc ứng xử về phát ngôn thù hận trái pháp luật trên mạng”, 31/5/2016, Bỉ, http://europa.eu/rapid/press-release_IP-16-1937_en.htm, truy cập ngày 29/12/2020.

[7] Xem Điều 34, Khoản 1 của Điều 584 và Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

[8] Xem Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan