ALAIN GUILLOU – Phó Chánh án, Toà Sơ thẩm Thẩm quyền rộng Paris, Cộng hòa Pháp Có nên hạn chế sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự?
Vai trò của thẩm phán và của các bên trong vụ án dân sự là một vai trò hiển nhiên. Riêng đối với viện công tố, vai trò này không phải lúc nào cũng hiển nhiên như vậy. Thứ nhất, không phải nước nào cũng có chế định viện công tố hay viện kiểm sát. Thứ hai, ngay cả khi có chế định viện công tố hay viện kiểm sát, thì mỗi viện công tố, viện kiểm sát lại có một mô hình tổ chức khác nhau, phương thức hoạt động khác nhau, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khác nhau tuỳ theo từng nước. Chúng ta đã đề cập đến trường hợp của một số nước đã từng hợp tác với Việt Nam trong việc soạn thảo Bộ luật . Việt Nam cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước để thực hiện công việc này. Ở Pháp, mô hình tổ chức viện công tố có nhiều điểm đặc thù so với các nước khác. Các thành viên của cơ quan công tố có quy chế pháp lý như thẩm phán. Thẩm phán và công tố viên cùng trải qua một kỳ thi tuyển như nhau, được đào tạo trong cùng một trường và cùng có một lời tuyên thệ với nội dung như nhau. Như vậy, cơ quan công tố của Pháp trước tiên là một cơ quan tư pháp, với vai trò quan trọng trong lĩnh vực hình sự và mở rộng sang cả lĩnh vực hành chính. Lĩnh vực hành chính ở đây được hiểu là hành chính tư pháp, thể hiện thông qua sự có mặt của một đại diện của Bộ tư pháp tại địa phương.
Trong mô hình tổ chức cơ quan công tố ở Liên xô cũ, các cơ quan công tố được tổ chức thành một hệ thống độc lập, như là một ngành độc lập. Mặc dù có quy chế độc lập, nhưng cơ quan công tố gần giống với cơ quan hành pháp hơn là cơ quan tư pháp.
Trong mô hình của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ, hệ thống cơ quan công tố được tổ chức rất gọn nhẹ, chủ yếu tham gia vào lĩnh vực hình sự. Các công tố viên có thể được tuyển chọn theo từng vụ việc cụ thể. Mặc dù hiện nay tình hình đã có nhiều thay đổi, nhưng ở các nước này vẫn tồn tại một quan niệm: Càng ít có sự can thiệp của Nhà nước, càng ít có sự can thiệp của pháp luật thì xã hội càng vận hành có hiệu quả.
Trong mô hình của các nước nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước, như trường hợp của Việt Nam và Pháp, hình thành nên một hệ thống cơ quan công tố mạnh, có thẩm quyền rất rộng trong lĩnh vực kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thẩm quyền kháng nghị trong các thủ tục tố tụng.
….
Mời xem chi tiết: Kỷ yếu Hội thảo “Pháp luật tố tụng dân sự”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội, ngày 9-11/10/2000.