Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / BÀN VỀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG CÓ ĐIỀU KHOẢN THANH TOÁN BẰNG NGOẠI TỆ

BÀN VỀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG CÓ ĐIỀU KHOẢN THANH TOÁN BẰNG NGOẠI TỆ

Phải thừa nhận rằng, tâm lý xem trọng ngoại tệ và sợ đồng tiền Việt Nam mất giá là một tâm lý chung và đang xu hướng lớn dần của các doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh. Cộng với sự hội nhập kinh tế thế giới, nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam hình thành thói quen sử dụng ngoại tệ khi tham gia các giao dịch kinh doanh hàng ngày nhằm tối đa lợi ích của mình. Do đó, rất nhiều giao dịch hiện nay, các bên thoả thuận sử dụng đồng tiền là ngoại tệ, đặt biệt là Đồng Đô la Mỹ (USD) làm đơn vị tiền tệ để sử dụng khi tiến hành báo giá, định giá, ghi giá, thanh toán…. trong hợp đồng. Trong khi đó, chính sách quản lý ngoại hối được thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam lại không cho phép được tự do sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này đã mang lại không ít rủi ro cho các bên cũng như phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật mà hậu quả xấu nhất là có thể là làm cho Hợp đồng đã ký kết bị vô hiệu.

Quy định pháp luật về ngoại hối

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, “đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ)”[1] được xem là một loại ngoại hối và việc sử dụng ngoại tệ tại Việt Nam phải chịu sự ràng buộc cũng như phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối mà cụ thể là Pháp lệnh về ngoại hối năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối năm 2013.

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 đã khắc phục nhiều quy định bất cập của Pháp lệnh về ngoại hối năm 2005. Trong đó, đã bổ sung vào Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 một số hoạt động “báo giá”, “định giá”, “ghi giá” không được thực hiện bằng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Đồng thời tại Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam quy định về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau: “Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”.

Như vậy, về mặt nguyên tắc, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng… đều không được thực hiện bằng ngoại hối trừ 17 trường hợp được liệt kê tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN.

Ví dụ cho trường hợp được thanh toán bằng ngoại tệ: Ông Julien Michel Ranjard đang sinh sống tại Hồng Kông đề nghị Công ty Luật FDVN là doanh nghiệp Việt Nam tư vấn, hỗ trợ pháp lý, đại diện cho ông để thực hiện các thủ tục cần thiết yêu cầu Công ty A  hoàn trả toàn bộ số tiền và bồi thường thiệt hại do chậm thực hiện nghĩa vụ. Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN thì người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú. Trên cơ sở đó, Công ty Luật FDVN đã ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng và lựa chọn đồng đô la Mỹ (USD) để thanh toán. Hợp đồng đã được thực hiện và ông Julien Michel Ranjard đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Luật FDVN bằng hình thức chuyển khoản.

Vậy giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ thì kê khai nộp thuế bằng ngoại tệ không? Tại Điều 27 Thông tư 156/2013/TT-BTC, đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam, trừ trường hợp được nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của chính phủ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại chưa có văn bản nào của chính phủ quy định về trường hợp được nộp thuế bằng ngoại tệ mà mới có quy định tại một số Thông tư hướng dẫn đặc thù (bao gồm: Thông tư số 56/2008/TT-BTC ngày 23/6/2008, Thông tư số 176/2014/TT-BTC ngày 17/11/2014, Thông tư số 36/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 có hướng dẫn đồng tiền khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động dầu khí; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 có hướng dẫn đồng tiền nộp thuế đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).

Tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) hướng dẫn về tỷ giá:

“3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22  tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:

– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản…”

Tại tiết e khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hướng dẫn về đồng tiền ghi trên hóa đơn:

“e) Đồng tiền ghi trên hoá đơn

Đồng tiền ghi trên hoá đơn là đồng Việt Nam.

Trường hợp người bán được bán hàng thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Việt.

Ví dụ: 10.000 USD – Mười nghìn đô la Mỹ.

Người bán đồng thời ghi trên hoá đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hoá đơn.”

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức có doanh thu bằng ngoại tệ thì vẫn phải kê khai, nộp thuế bằng đồng Việt Nam (VND). Khi xuất hóa đơn được ghi bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng việt và tỷ giá ghi trên hóa đơn là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản.

Việc vi phạm này có làm cho Hợp đồng đã ký kết giữa các bên vô hiệu hay không?

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên về một vấn đề nào đó[2]. Một hợp đồng có hiệu lực pháp lý thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Tại khoản 1 Điều 117 Bộ Luật sân dự 2015, điều kiện có hiệu lực của một giao dịch hay một hợp đồng như sau: “a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật thì vô hiệu[3].

Trước đây, Bộ luật dân sự năm 2005 (có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2017) có quy định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bao gồm:“ a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”. Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật thì vô hiệu.

Như vậy, so với Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 đã thay thế cụm từ “vi phạm điều cấm của pháp luật” thành cụm từ “vi phạm điều cấm của luật”. Theo đó, “điều cấm của pháp luật” ở đây được hiểu là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định[4]. Các quy định về “điều cấm” này có thể tồn tại trong luật hoặc các văn bản dưới luật như các Nghị định, Thông tư, Pháp lệnh… Trong khi đó, “điều cấm của luật” là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định[5] chỉ ở trong văn bản Luật do Quốc hội ban hành.

Theo quy định tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì pháp lệnh và thông tư không phải là văn bản luật. Do vậy, các giao dịch/hợp đồng có đối tượng là ngoại hối, cụ thể là việc thỏa thuận giá cả và phương thức thanh toán bằng ngoại tệ là hành vi bị cấm tại Pháp lệnh ngoại hối, nếu áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 thì sẽ được xác định là vô hiệu, nếu áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp này không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của luật nên sẽ không bị vô hiệu.

Như vậy, từ ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực (ngày 01/01/2017) thì điều cấm làm cho hợp đồng vô hiệu chỉ có thể là các quy định của luật. Quy định này là một nội dung sửa đổi mang tính tiến bộ của Bộ luật Dân sự 2015 với tính chất “mở” hơn cho các bên trong việc tự do hợp đồng, tôn trọng thỏa thuận tự nguyện giữa các bên, hạn chế việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu quá nhiều, tùy tiện.

Tuy nhiên, đây là một hành vi vi phạm quy định của pháp luật về ngoại hối nên vẫn sẽ bị xem xét xử lý chế tài. Căn cứ theo Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thì đối với hành vi “Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần so với cá nhân là từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Thực tiễn xét xử

Quy định của pháp luật là vậy, thế nhưng trên thực tế, khi giải quyết các tranh chấp giao dịch bằng ngoại tệ, Hội đồng xét xử vẫn áp dụng tinh thần Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội Đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn Pháp lệnh hợp đồng kinh tế để xử lý vụ án:

Một là, nếu trong nội dung của hợp đồng các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng thực tế các bên đã thanh toán cho nhau bằng Đồng Việt Nam thì không bị coi là vô hiệu.

Điển hình là vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá giữa nguyên đơn là Công ty Hà Thanh – Bộ Quốc Phòng và Bị đơn Công ty Cổ phần Thép Thiên An theo Quyết định giám đốc thẩm số 70/2014/KDTM-GĐT ngày 29/7/2014 của Toà án kinh tế Toà án nhân dân tối cao. Theo vụ án, Công ty Hà Thanh – Bộ Quốc Phòng và Công ty Cổ phần Thép Thiên An ký hợp đồng kinh tế về việc mua bán 816,97 tấn (+/- 10%) thép cán nóng, dạng cuộn, xuất xứ Nhật Bản, tổng trị giá hợp đồng là 7.422.000.000 đồng. Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010 được ký kết sau Hợp đồng kinh tế 03 09/HT-PT ngày 11/11/2009 và trước khi các bên giao nhận hàng (ngày 12/01/2010). Tại Khoản 1.1 Điều 1 Hợp đồng số 03-09 ngày 11/11/2009 quy định thì tổng trị giá lô hàng là 7.422.000.000 đồng (+/-10%), tỷ giá tạm tính 1 USD = 18.500 đồng, “giá trên là giá tạm tính”, nên sau đó vào ngày 08/01/2010, các bên ký Biên bản nhận nợ xác định lại trị giá lô hàng. Toà án kinh tế Toà án nhân dân tối cao nhận định, mặc dù Biên bản có tiêu đề là nhận nợ nhưng thực chất là thỏa thuận mới của các bên về giá trị hợp đồng, các khoản thuế, phí đều được thỏa thuận tính bằng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là đồng tiền Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá bán ra thực tế của Ngân hàng TMCP Nhà HN… tại từng thời điểm thanh toán. Trên thực tế, Bị đơn Công ty Thiên An cũng thanh toán cho Nguyên đơn Công ty Hà Thanh bằng tiền đồng Việt Nam thông qua chuyển khoản tại Ngân hàng TMCP Nhà HN, chi nhánh cầu Giấy nên thỏa thuận của các bên không bị coi là vô hiệu và cũng không vi phạm Pháp lệnh về quản lý ngoại hối. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Biên bản nhận nợ vô hiệu do các bên thỏa thuận giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ, từ đó không căn cứ vào Biên bản nhận nợ để giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Biên bản nhận nợ không vô hiệu là có căn cứ[6].

Như vậy, trong trường hợp này, yếu tố thanh toán bằng Đồng Việt Nam rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu lực toàn bộ của cả hợp đồng. Nếu trong nội dung của hợp đồng các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó thực tế các bên đã thanh toán cho nhau bằng Đồng Việt Nam thì không bị coi là vô hiệu.

Hai là, nếu trong nội dung của hợp đồng các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ và thực tế đã thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng bị coi là vô hiệu toàn bộ. Hai bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điển hình là vụ án yêu cầu thanh toán tiền thuê nhà, tiền đặt cọc và tiền phạt giữa ông Y và ông T. Ngày 27/01/2018 ông Y và ông Trần Văn T đã ký hợp đồng thuê nhà Lô số 73, tờ bản đồ số 10, tại địa chỉ số 42 Đường P, quận N, thành phố Đà Nẵng. Theo hợp đồng này, giá thuê là 2400 USD/tháng. Thời hạn thuê nhà là 05 năm. Tiền cọc là 7200 USD tương đương 3 tháng tiền thuê nhà, được trả 06 tháng một lần. Mục đích thuê nhà là cung cấp các dịch vụ nhà hàng – khách sạn. Căn cứ theo hợp đồng ông Y đã thanh toán 06 tháng tiền thuê nhà với số tiền là 14.400 USD theo ủy nhiệm chi số 452985 ngày 09/2/2018 và 03 tháng tiền cọc là 7.200 USD theo điện chuyển tiền ngày 29/12/2017. Tổng số tiền mà ông Y đã thanh toán cho ông Trần Văn T là 21.600 USD. Ngày 27/01/2018 ông Trần Văn T đã bàn giao nhà cho ông Y, toàn bộ nội thất của ngôi nhà đã bị hư hỏng hoàn toàn, tất cả các thiết bị vệ sinh đều không thể sử dụng và phục vụ cho mục đích kinh doanh của ông Y. Vào ngày 27/02/2018, ông Y phải thuê đội vệ sinh với chi phí là 30.000.000 đồng đến tháo dỡ và chuyển toàn bộ thiết bị cũ ra khỏi nhà và đầu tư thay thế thiết bị mới. Yêu cầu Tòa án xem xét và hủy bỏ Hợp đồng thuê nhà đã ký ngày 27/01/2018 giữa ông Y và ông Trần Văn T vì đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Yêu cầu ông Trần Văn T trả lại tiền đặt cọc và thuê nhà 06 tháng tiền thuê nhà là 21.600 USD cộng với tiền phạt tương đương với 03 tháng tiền thuê nhà là 7.200 USD vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tổng cộng số tiền mà ông T phải trả lại là 667.008.000 đồng.

Tại bản án sơ thẩm tuyên, Toà án Tuyên hợp đồng thuê nhà ký ngày 27/01/2018 giữa ông Y và ông Trần Văn T vô hiệu. Buộc ông Trần Văn T phải trả lại cho ông Y số tiền 500.256.000 đồng, Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc phạt hợp đồng ông Trần Văn T số tiền 166.752.000 đồng, Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc buộc nguyên đơn phải bồi thường tài sản bằng giá trị là: 500.325.000 đồng

Cấp phúc thẩm nhận định: Hợp đồng thuê nhà lập ngày 27/01/2018,7 giữa ông Y và ông Trần Văn T, trong đó quy định giá thuê nhà là đồng USD và thực tế các bên cũng đã thanh toán bằng đồng USD. Giao dịch này được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, do đó được điều chỉnh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Căn cứ Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 và các Điều 3, 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, thì hợp đồng này là vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào điểm c Điều 117, Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, tuyên bố hợp đồng cho thuê nhà nêu trên là vô hiệu và buộc các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là đúng quy định pháp luật, nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T về nội dung này. Bản án phúc thẩm tuyên: Bác kháng cáo của ông Trần Văn T, giữ nguyên bản án sơ thẩm[7].

Như vậy, trong trường hợp này, mặc dù hợp đồng được xác lập tại thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực nhưng trong nội dung của hợp đồng các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi đó các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì vẫn được Toà án xác định là vô hiệu toàn bộ và được xử lý theo hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

Xem thêm một số bản án khác được tổng hợp tại: https://fdvn.vn/tong-hop-ban-an-va-quyet-dinh-giam-doc-tham-lien-quan-den-tranh-chap-hop-dong-co-thoa-thuan-su-dung-ngoai-te/

Mặc dù Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực pháp luật nhưng Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP vẫn chưa có văn bản thay thế, tinh thần của nó vẫn đảm bảo tính hợp lý, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, việc xác định các giao dịch/hợp đồng có đối tượng là ngoại hối tuỳ trường hợp sẽ có hiệu lực hoặc vô hiệu sẽ là mâu thuẫn với Pháp lệnh ngoại hối và Bộ luật Dân sự 2015, khi mà Pháp lệnh Ngoại hối quy định cấm “mọi giao dịch bằng ngoại hối” và Bộ luật Dân sự 2015 quy định nội dung giao dịch vi phạm điều cấm của Luật thì mới vô hiệu.

Một số ý kiến đề xuất

Từ các phân tích trên, để tránh sự không thống nhất trong các quy định của pháp luật, tránh sự tuỳ nghi trong quan điểm giải quyết của các thẩm phán, đảm bảo được quyền lợi của các bên trong hợp đồng/giao dịch, tác giả đề xuất một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, vì tính chất quan trọng cũng như ảnh hưởng của việc sử dụng ngoại tệ đối với nền tài chính quốc gia, cần xây dựng Luật ngoại hối thay vì Pháp lệnh ngoại hối, hoặc cụ thể hoá tinh thần của Pháp lệnh ngoại hối vào các văn bản luật chuyên ngành để nâng cao tính pháp lý cho vấn đề này. Đồng thời sửa đổi quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 theo hướng không cấm việc ghi giá, báo giá trong hợp đồng bằng ngoại hối nếu việc ghi giá, định giá đó có xác định tỷ giá áp dụng và được quy đổi ra Việt Nam Đồng khi thực hiện thanh toán. Nếu quy định như vậy, các giao dịch ghi giá, báo giá là ngoại hối nhưng thực tế thanh toán bằng đồng Việt Nam thì sẽ không vi phạm luật ngoại hối và không bị vô hiệu. Tương tự, các giao dịch thanh toán bằng ngoại hối thì vi phạm quy định của Luật và bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Điều này sẽ giúp xoá bỏ sự “phô chênh” khi áp dụng  quy định về giao dịch vô hiệu của Bộ luật Dân sự 2015 đối với các giao dịch thanh toán bằng ngoại hối, đồng thời hạn chế việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu quá nhiều, tùy tiện khiến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên không được đảm bảo.

Thứ hai, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần có văn bản mới hướng dẫn cụ thể vấn đề này, đồng thời lựa chọn các bản án có đường lối, nguyên tắc xét xử phù hợp để phát triển thành án lệ làm cơ sở giải quyết các vụ án tương tự./.

LUẬT SƯ DUYÊN TRẦN – CÔNG TY LUẬT FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005

[2] Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015.

[3] Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015.

[4] Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005.

[5] Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015.

[6] Quyết định giám đốc thẩm số 70/2014/KDTM-GĐT ngày 29/7/2014 của Toà án kinh tế Toà án nhân dân tối cao.

[7] Bản án số 153/2019/DS-PT ngày 29/8/2019 của Toà án cấp cao tại Đà Nẵng về việc “Yêu cầu thanh toán tiền thuê nhà, tiền đặt cọc và tiền phạt”.

XEM THÊM BẢN TIN SỐ 50 TẠI: https://fdvn.vn/ban-tin-dien-dan-nghe-luat-so-51-thang-6-nam-2021-2/

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: FDVN CHANNEL

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online