Luật sư Lê Cao – Công ty Luật Hợp Danh FDVN
– BẢN TIN DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT SỐ 70
Sự kiện bắt ông Đỗ Anh Dũng và 6 nghi can khác, theo thông tin ban đầu cho rằng, theo kết quả điều tra xác định từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022, bị can Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Từ đó, ngày 5-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị liên quan. Như vậy, có thể hiểu ông Đỗ Anh Dũng và các nghi can đang bị áp dụng Điều 174 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra xử lý. Từ câu chuyện này đặt ra những băn khoăn ở khía cạnh pháp lý, cụ thể đó là liệu tội danh mà ông Đỗ Anh Dũng bị khởi tố liệu đã phù hợp với các thông tin về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được truyền thông mô tả hay không?
Về phương diện khoa học pháp lý, đặc trưng, dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nằm ở chỗ, người nào đó đã dùng thủ đoạn gian dối để đưa thông tin không có thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật và từ đó giao tài sản, khi nhận được tài sản thì người này đã chiếm đoạt tài sản đó. Việc chiếm đoạt tài sản này gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với việc dùng thủ đoạn gian dối trước đó. Còn trường hợp nếu có hành vi gian dối nhưng không chiếm đoạt tài sản thì không phải là dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.
Vì vậy, cần phải xem xét là liệu Tân Hoàng Minh đã có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của khách hàng đầu tư trái phiếu hay không, và đó là những vấn đề mà có lẽ hồ sơ vụ án, các hoạt động nghiệp vụ của Cơ quan điều tra đang thực hiện để chứng minh cho cơ sở xác định tội danh của những người bị bắt. Tuy nhiên, nếu theo mô tả về những vi phạm mà Tân Hoàng Minh được truyền thông nêu, chúng ta có thể thấy một số vấn đề pháp lý cần được xem xét như sau:
Thứ nhất, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lý do hủy 9 đợt phát hành chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì “có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”.[1]
Nếu chiếu theo thông tin này, các cá nhân liên quan của Tân Hoàng Minh có dấu hiệu dễ nhận thấy hơn là có thể bị xử lý trách nhiệm về các tội danh theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 liên quan đến hoạt động chứng khoán, như: Một là, Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Hai là, Điều 212 (Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán).
Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 đã cụ thể hóa các tội danh liên quan đến hoạt động chứng khoán, nếu các tội danh theo Điều 209 và Điều 212 đã cụ thể hóa, gọi đúng tên, chỉ đúng vi phạm rồi thì tại sao không khởi tố về hai tội danh này?
Có quan điểm cho rằng, việc thực hiện các hành vi che dấu thông tin, công bố thông tin sai sự thật như một dạng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, do đó có cơ sở để khởi tố theo Điều 174 chứ không khởi tố các tội danh theo Điều 209 hay 212 của Bộ luật hình sự. Quan điểm này không thuyết phục ở chỗ, khi đã có tội danh cá biệt và hành vi phạm tội phù hợp với cấu thành của các tội danh cá biệt cụ thể đó, thì về nguyên tắc áp dụng luật cần áp dụng quy định của các tội danh đã cá biệt hóa hành vi cụ thể đó. Vấn đề thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư mua trái phiếu cũng được quy định rõ trong các Điều 209 hay 212 của Bộ luật hình sự. Vậy không cớ gì dùng một điều luật chung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều chỉnh cho hành vi cụ thể vi phạm pháp luật trong hoạt động chứng khoán.
Thứ hai, chiếu theo Điều 174 Bộ luật hình sự thì phải có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người bị hại, ở đây cứ cho rằng việc phát hành 10.300 tỉ đồng trái phiếu để thu tiền về thì cần xác định bị hại là ai, các bị hại đã bị chiếm đoạt tài sản hay chưa, thời điểm tài sản bị chiếm đoạt đã xảy ra hay chưa.
Trong khi đó, có thông tin chỉ ra rằng, thực chất việc các nhà đầu tư bỏ tiền để đầu tư trái phiếu theo kiểu hợp tác với một chủ thể khác có quyền sở hữu trái phiếu. Cụ thể, có công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh đứng ra mua trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh phát hành, xong rồi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đóng tiền thông qua một “hợp đồng đầu tư trái phiếu”, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên thực hiện theo hợp đồng này, bản thân các cá nhân đầu tư không phải là người sở hữu trái phiếu.[2]
Trong khi đó, theo Luật chứng khoán 2019, Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành trái phiếu. Chủ sở hữu trái phiếu, hay trái chủ (bondholder) là người cho nhà phát hành trái phiếu vay tiền thông qua việc mua trái phiếu của họ. Đổi lại, các trái chủ nhận được các khoản thanh toán tiền lãi không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty và khoản vốn gốc khi trái phiếu đáo hạn.
Thế nhưng, có những thông tin cho thấy các nhà đầu tư đang bị kẹt lại nguồn vốn đầu tư ở Tân Hoàng Minh thực sự họ có một giao dịch hợp tác đầu tư trái phiếu, họ không phải là chủ sở hữu trái phiếu đó, do vậy vấn đề xác định xem tài sản của họ bị chiếm đoạt hay chưa, chiếm đoạt vào thời điểm nào cần phải dựa vào nội dung các hợp đồng hợp tác đầu tư, dựa vào thực tế các cá nhân, tổ chức liên quan đến Tân Hoàng Minh có dấu hiệu thực tế thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hay không, hay đó là quan hệ hợp đồng giữa các bên. Việc xác định có chiếm đoạt tài sản hay không, xác định thời điểm chiếm đoạt tài sản nếu có là vấn đề rất quan trọng để xác định được dấu hiệu hành vi phạm tội cụ thể.
Do vậy, theo chúng tôi Cơ quan điều tra cần làm rõ vấn đề chiếm đoạt tài sản trong trường hợp này là chiếm đoạt của ai, trong quan hệ hợp đồng giữa người sở hữu trái phiếu thực sự với các nhà đầu tư hợp tác thì có phát sinh thủ đoạn lừa dối nào hay không, hoạt động hợp tác đó đang diễn ra đã có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản chưa, việc thực hiện trả tiền gốc, lãi có đúng cam kết hay không và có điều gì chứng minh việc chiếm đoạt này.
Thứ ba, theo các thông tin được nêu, các công ty có liên quan của Tân Hoàng Minh đã thiết lập hợp đồng với các nhà đầu tư để xác lập hợp đồng đầu tư trái phiếu, sau khi xác lập hợp đồng rồi thì mới chiếm đoạt tài sản, thì còn một khả năng được đặt ra nữa là liệu các cá nhân có liên quan đến Tân Hoàng Minh có dấu hiệu phạm Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay không cần được làm rõ.
Theo các dấu hiệu phạm tội được nêu tại Điều 175 Bộ luật hình sự thì, các dấu hiệu hành vi phạm tội này được xác định là: (i) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; (ii) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy, vấn đề “huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu” có dấu hiệu gần hơn với tội danh theo Điều 175 Bộ luật hình sự, nếu như trên thực tế các cá nhân liên quan đã có hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu khác được nêu ở trên. Vấn đề là, liệu Tân Hoàng Minh sau khi huy động vốn thì dùng tài sản đó vào những mục đích nào, có bất hợp pháp hay không, hay sau khi nhận được tài sản của các nhà đầu tư rồi dùng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn hoặc cố tình không trả dù có tài sản, những vấn đề này phải được xác định mới đảm bảo dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thứ tư, có một vấn đề cần đặt ra, đó là với các hành vi huy động vốn thông qua hoạt động phát hành trái phiếu, pháp nhân đứng ra thực hiện, vậy trách nhiệm hình sự quy cho pháp nhân hay là cá nhân?
Vấn đề này lại liên quan đến dấu hiệu phạm tội thuộc tội danh nào, nếu thuộc các tội danh mà Bộ luật quy định điều chỉnh với pháp nhân thì mới có cơ sở xác định pháp nhân phạm tội, còn các tội danh như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Bộ luật hình sự quy định cá thể hóa đối với cá nhân, pháp nhân không phải là chủ thể của các tội phạm này, do đó không thể xử lý trách nhiệm pháp nhân nếu có các hành vi có dấu hiệu phạm tội đối với các tội danh này.
Tuy nhiên, nếu xác định cụ thể hành vi để xử lý trách nhiệm theo Điều 209 Bộ luật hình sự về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán thì tội danh này có quy định chủ thể phạm tội có thể là pháp nhân, do đó cần đánh giá xem hành vi thực hiện thuộc pháp nhân hay cá nhân, trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm pháp nhân.
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện như: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Về nguyên tắc, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Như vậy, đối với những vụ án có yếu tố nhân danh pháp nhân thương mại, thì vấn đề áp dụng để truy cứu trách nhiệm chủ thể pháp nhân hay cá nhân cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.
Thứ năm, liên quan đến hành vi bỏ cọc trong vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, có ý kiến cho rằng, đó cũng là vấn đề cần nghiên cứu, xem xét hoàn thiện pháp luật về hành vi thao túng thị trường bất động sản. Tuy vậy, chúng ta biết rằng hiện nay luật chưa quy định chế tài đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản giống như hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” do đó, nếu có các dấu hiệu có liên quan nhìn thấy có thể có ảnh hưởng, nguy hiểm cho thị trường, cho nền kinh tế, nhưng luật chưa quy định, không điều chỉnh thì không có cơ sở xử lý được. Theo chúng tôi, luật hiện đại đang có xu hướng cụ thể hóa hành vi cụ thể để chế tài đối với các sai phạm, theo xu hướng đó sẽ tránh được tính mơ hồ trong vận dụng trong thực tiễn, do đó khi luật có quy định cá biệt cụ thể thì mới xử lý được, nếu không có quy định thì về phương diện áp dụng luật thực tiễn không có cơ sở pháp lý để xử lý, vấn đề thao túng thị trường bất động sản cũng là một vấn đề cần hoàn thiện để đảm bảo xử lý đúng với hành vi sai phạm của các chủ thể nếu có.
Như vậy, từ những nội dung nêu trên, có thể thấy, về phương diện khoa học pháp lý, việc áp dụng Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 để khởi tố vụ án đối với ông Đỗ Anh Dũng và các nghi can khác trong trường hợp này vẫn đặt ra những băn khoăn liên quan đến cấu thành tội phạm trên cơ sở đối chiếu với các hành vi được mô tả. Tuy nhiên, bên trong vụ án này, những vấn đề có thể thuộc bí mật điều tra, có thể có những thông tin khác mà sau này được công khai và thông tin, có thể chúng ta lại có những cái nhìn khác về phương diện pháp lý của vụ án.
Ngoài ra, đây đang là giai đoạn điều tra, việc khởi tố nhưng điều tra có những dấu hiệu hành vi như thế nào, chủ thể nào vi phạm tội danh nào, một tội hay hai, thậm chí có tội hay là không còn phụ thuộc vào kết quả sau cùng của hoạt động điều tra và chưa thể có kết luận sau cùng.
[1] [nguồn: https://tuoitre.vn/bat-chu-tich-tap-doan-tan-hoang-minh-do-anh-dung-20220404151226145.htm]
[2] [Nguồn: https://tuoitre.vn/trai-phieu-cua-tan-hoang-minh-bi-huy-bo-khach-hang-duoc-hoan-tien-ra-sao-20220406073252775.htm]
Tải bản tin Diễn Đàn Nghề Luật số 70
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn