Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM KHI GẶP TAI NẠN DO HỐ GA KHÔNG CÓ NẮP ĐẬY

AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM KHI GẶP TAI NẠN DO HỐ GA KHÔNG CÓ NẮP ĐẬY

Tình huống pháp lý: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi gặp tai nạn do hố ga không có nắp đậy?

Tôi sau khi tan làm chạy xe từ công ty về nhà, khi đi qua khu vực đang thi công thì tôi bị ngã khi đi qua hố ga không có nắp đậy và bị thương nặng. Quý Công ty cho tôi hỏi, trong trường hợp này thì ai chịu trách nhiệm tôi sẽ được bồi thường ra sao? Người thi công để hố ga không nắp, đơn vị thi công có bị xử lý hình sự không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác:

2. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn”

Nếu công trình hố ga đang thi công mà để xảy ra tình trạng không an toàn và gây tai nạn cho người khác tùy theo hành vi vi phạm, mức độ gây thiệt hại thì chủ thể sai phạm sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý như sau:

Về trách nhiệm hình sự

Điều 281 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông như sau:

          “1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, dẫn đến hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật;

b) Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại mà chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;

d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;

đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;

e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đặt tín hiệu phòng vệ khi thi công, sửa chữa công trình giao thông;

g) Không thu dọn, thanh thải biển hiệu phòng vệ, rào chắn, phương tiện, vật liệu khi thi công xong;

h) Vi phạm quy định khác về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông…”

Bên cạnh đó, Điều 15 Thông tư số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC cũng hướng dẫn:

Hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự là một trong các hành vi sau:

  1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;
  2. Không xử lý kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
  3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
  4. Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
  5. Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
  6. Các vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông như không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông; không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong và các hành vi tương tự khác”

Như vậy, chủ thể chịu trách nhiệm trong trường hợp của bạn là những người chịu trách nhiệm thi công công trình đó, những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” theo điều 281 với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Những người phụ trách khác như giám sát thi công cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm

Về trách nhiệm dân sự

Đơn vị tổ chức thi công công trình sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn theo những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Khoản 1 Điều 590 Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cụ thể là:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phụ thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có)
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị
  • Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại
  • Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm

Theo Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

45C Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan