Trước tình hình khó kiểm soát của dịch bệnh, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Và cả nước đồng lòng chống dịch, thành hay bại đều phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng Dịch bệnh Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế – xã hội nước nhà, và không riêng bất cứ một ai, Covid-19 đang tạo ra rào cản phát triển cho các doanh nghiệp, cho cá nhân mỗi người dân. Trong giai đoạn cả nước chung tay chống dịch, nhằm giúp người dân nắm bắt được quy định pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ của từng cá nhân, trong bài viết hôm nay, FDVN gửi đến Quý bạn đọc 10 QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NGƯỜI DÂN CẦN LƯU Ý TRONG MÙA DỊCH COVID-19.
1. QUY ĐỊNH VỀ ÁP DỤNG LỆNH PHONG TOẢ THEO CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Hiện nay, hàng ngày, con số mắc bệnh Covid-19 ở Việt Nam tăng vọt khá mạnh, nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách kịp thời nhằm hạn chế đến mức có thể đối với sự lây lan quá nhanh, quá nguy hiểm của dịch bệnh. Trong đó, việc áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 mang đến nhiều hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, nhưng vùng dịch có nguy cơ tăng cao, khó kiểm soát, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng thiết lập cách ly y tế (hay còn gọi là phong toả).
Nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, cùng nội dung các công văn của các tỉnh thành liên quan, người dân cần lưu ý không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, trừ nhân viên y tế, trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác. Đồng thời đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, quy định không tập trung quá số lượng người được quy định trong phạm vi công sở. Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Các quy định về cưỡng chế thi hành, các mức xử phạt đối với hành vi không tuân thủ lệnh phong toả của cơ quan có thẩm quyền sẽ được chúng tôi đề cập theo bảng tổng hợp tại mục 8 dưới đây.
2. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI TIÊM VACCINE
Tiêm chủng chống dịch là hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch.[1]
Theo như Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đã chủ động tham gia chương trình Covax, đàm phán, làm việc với các tổ chức quốc tế và một số nhà sản xuất vaccine có uy tín trên thế giới để tìm nguồn mua. Ngày 8/7/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022, theo đó, kế hoạch tiêm chủng được xây dựng với quy mô toàn quốc, dự kiến đến cuối năm 2021 – đầu năm 2022, 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng.[2]
2.1. Các loại Vaccine mà Việt Nam đang sử dụng để tiêm phòng Covid-19
Hiện nay, trên thế giới có nhiều loại vaccine khác nhau, một số loại vaccine phổ biến thường được biết đến như: AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson’s Janssen (J&J/Janssen), Sputnik V, Sinopharm, Sinovac,… Những ngày đầu chiến dịch, còn nhiều tranh cãi về các loại vaccine mà Việt Nam đang sử dụng. Tính đến tháng 8/2021, nước ta có 06 loại vaccine đã được phê duyệt điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, danh sách này gồm có:
– Vaccine AstraZeneca (tên gọi: Covid-19 Vaccine AstraZeneca) được tổ chức y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 938/QĐ-BYT ngày 01/2/2021 phê duyệt điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Đây là một vaccine đã được nhiều quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng.
– Vaccine Spikevax (tên khác: Covid-19 Vaccine Moderna) được tổ chức y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 30/4/2021, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 tại Quyết định số 3122/QĐ-BYT ngày 28/6/2021. Vaccin này đang được sử dụng tại 63 quốc gia, với khoảng 340 triệu liều.[3]
– Vaccine Comirnaty của Prizer-biontech được Bộ Y tế phê duyệt điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, căn cứ tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021.
– Vaccine Gam-Covid-Vac (tên khác: Sputnik V) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 1654/QĐ-BYT ngày 23/3/2021.
– Vaccine Vero Cell của Sinopharm đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 2763/QĐ-BYT ngày 03/6/2021. Hiện nay, Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021.
– Vaccine Janssen đã được Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3448/QĐ-BYT ngày 15/7/2021 phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Vaccine này được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 34 quốc gia với khoảng 60 triệu liều đã sử dụng.
2.2. Đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine
Với quy mô toàn quốc, chiến dịch tiêm vaccine miễn dịch cộng đồng đã và đang được triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó, 16 đối tượng là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế được ưu tiên tiêm vaccine[4] bao gồm:
a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);
b) Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…);
c) Lực lượng Quân đội;
d) Lực lượng Công an;
đ) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;
e) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
g) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;
h) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;
i) Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;
k) Người sinh sống tại các vùng có dịch;
l) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
m) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
n) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế…cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;
o) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;
p) Người lao động tự do;
q) Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế;
Đồng thời, chúng ta cũng cần lưu ý:
* Những đối tượng sau đây phải trì hoãn tiêm vaccine[5]:
– Có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
– Đang mắc bệnh cấp tính.
– Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
* Những đối tượng cần phải khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng tiêm chủng[6]:
– Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
– Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
– Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
– Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
– Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
– Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
+ Nhiệt độ <35,5°C và >37,5 °C.
+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.
+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế)
+ Nhịp thở > 25 lần/phút.
2.3. Các bước thực hiện tiêm chủng
Theo quy định tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng Vaccine phòng Covid-19, việc tiêm chủng được thực hiện qua các bước sau đây:
Bước 1: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón:
Phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng không mang).
– Thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng.
– Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế bản giấy.
Đối với đối tượng chưa thực hiện đăng ký trước khi đến tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng hướng dẫn người dân đăng ký trên hệ thống Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (tiemchungcovid19.gov.vn) và theo dõi hướng dẫn từ hệ thống.
Bước 2: Hoàn thành phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:
Đối với người chưa có phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19, nhân viên y tế cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo mẫu quy định. Người được tiêm chủng điền thông tin và ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi sàng lọc.
Bước 3: Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 15/7/2021 của Bộ Y tế.
– Điền đầy đủ thông tin kết quả khám sàng lọc trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nếu cơ sở tiêm chủng không điền được thông tin này trên hệ thống thì in phiếu khám sàng lọc.
– Nhân viên y tế thực hiện khám sàng lọc và điền thông tin vào phiếu khám sàng lọc. Nếu đủ điều kiện tiêm chủng thì hướng dẫn đối tượng đến khu vực tiêm và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những sự cố bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng. Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vaccine được tiêm chủng. Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Nếu đối tượng không đủ điều kiện tiêm thì tư vấn để chuyển cơ sở tiêm chủng hoặc ra về.
Bước 4: Tiêm vaccine: Thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
2.4. Lưu ý sau khi tiêm vaccine phòng, chống Covid-19
Sau khi tiêm chủng, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp có những triệu chứng bất thường, người được tiêm chủng cần liên hệ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Trường hợp xảy ra các hiện tượng tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc gây thiệt hại đến tính mạng sau khi tiêm chủng, người được tiêm chủng lưu ý: Theo Khoản 6 Điều 30 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Điều 15 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định, “Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.”. Thiệt hại đến tính mạng sẽ được bồi thường theo như Điều 16 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, bao gồm Chi phí khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế; Chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng)[7]; Chi bù đắp tổn thất về tinh thần và 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại; Các khi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút.[8]
3. QUY ĐỊNH VỀ TẠM DỪNG LAO ĐỘNG, THOẢ THUẬN NGHỈ KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG DO ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH COVID-19
Hiện nay, cả nước có 1.300.304 người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Có 10.335 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với hơn 930.000 người lao động “ăn – ngủ – làm việc” tại doanh nghiệp (riêng 20 tỉnh phía Nam áp dụng giãn cách xã hội và 20 Công đoàn ngành là 10.071 doanh nghiệp với 905.315 công nhân).[9]
3.1. Đối tượng được trả lương ngừng việc do tác động của dịch Covid-19 theo quy định của Điều 99 Bộ luật Lao động 2019
Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc trả lương ngừng việc, theo đó trường hợp gây ra ngừng việc là do lỗi của người lao động hay người sử dụng lao động hay nguyên nhân khách quan sẽ được xem xét để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
Ngày 15/7/2021, Cục Quan hệ lao động và tiền lương đã có Công Văn số 264/QHLĐTL-TL Hướng dẫn việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như sau:
Thứ nhất, Trường hợp người lao động phải ngừng việc xuất phát từ các tác động của dịch như:
i. Người lao động phải thực hiện cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
ii. Người lao động ở các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không thể làm việc;
iii. Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
iv. Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Thứ hai, Tiền lương ngừng việc được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể là:
i. Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
ii. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
3.2. Lưu ý khi người lao động thuộc một trong các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, điều chuyển người lao động sang làm một công việc khác, chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
a) Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Vì lý do dịch bệnh, người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng, người lao động sẽ không được hưởng lương, cùng các quyền lợi theo hợp đồng lao động đã giao kết, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.[10] (Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019). Trong trường hợp có văn bản khác được ban hành quy định khác, việc hưởng lương và các quyền lợi theo hợp đồng lao động đã ký sẽ được áp dụng theo văn bản mới ban hành.
Về bảo hiểm xã hội, Theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 4 Điều 42 văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Sau thời gian tạm hoãn, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.[11] (Điều 31 Bộ luật Lao động 2019).
Để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động cần lưu ý:
– Trường hợp người sử dụng lao động không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (đối với cá nhân), phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng (đối với tổ chức), trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;[12]
– Nếu các bên có những thoả thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung của hợp đồng lao động đã ký kết trước đây thì phải tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.[13]
b) Trường hợp điều chuyển người lao động sang làm một công việc khác so với hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất do dịch bệnh nguy hiểm, người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Thời gian điều chuyển là không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm, nếu việc điều chuyển trong thời hạn dài hơn thời hạn nêu trên, người sử dụng chỉ được thực hiện nếu người lao động đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp thuộc đối tượng phải điều chuyển, người lao động lưu ý:
– Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.[14]
– Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (đối với cá nhân), phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (đối với tổ chức).[15]
c) Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo quy định của Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, một trong các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục những vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh, cần lưu ý:
* Về thời hạn báo trước: Người sử dụng lao động phải được báo trước:
+ Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn,
+ Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
+ Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù[16] thì thời hạn báo trước là:
+ Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
+ Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
* Về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
+ Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
+ Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
+ Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
* Về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng do ảnh hưởng vởi dịch Covid-19:
+ Được trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương (Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm[17]).
+ Cần lưu ý, trường hợp tham gia trợ cấp thất nghiệp, người lao động không được trả trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, người lao động vẫn được trả trợ cấp thôi việc đối với các thời gian không được tính trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp[18]:
i. Có thời gian thử việc.
ii. Có thời gian người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
iii. Có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng.
iv. Có thời nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng.
3.3. Cách thức nhận hỗ trợ theo chính sách của nhà nước đối với người lao động gặp khó khăn do Covid-19
Trước tình hình này, thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 ban hành một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc bị tạm hoãn hợp đồng lao động đều là những đối tượng được hỗ trợ theo chính sách của nước nhà.
Người lao động cần lưu ý những chính sách, quy trình thực hiện để được nhận hỗ trợ như bảng dưới đây[19]:
Đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
4. QUY ĐỊNH VỀ MIỄN, GIẢM LÃI, PHÍ VÀ HOÃN NỘP LÃI NGÂN HÀNG
Ngày 2/4/2021, Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Theo đó, Ngân hàng đã có những chính sách miễn, giảm lãi, phí, quy định lại thời hạn trả nợ.
* Về miễn, giảm lãi, phí
Tại Thông tư sửa đổi, việc miễn, giảm lãi, phí được thực hiện khi:
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021
– Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
* Về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ:
Cần lưu ý đối với số dư nợ của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau thì được cơ cấu lại thời hạn trả nợ:
1.Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.
3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c dưới đây;
b. Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020;
Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.
4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
5. Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
8. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.
5. CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, DOANH NGHIỆP, HỘ KINH DOANH GẶP KHÓ KHĂN DO DỊCH COVID-19
Tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lao động, hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ hộ kinh doanh:
Ngoài những chính sách được nêu tại bảng trên, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người sử dụng lao động còn được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; giảm 30% tiền thuê đất đối với doanh nghiệp,…
6. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁC TRƯỜNG HỢP LÀ F0, F1 VÀ TRẺ EM TRONG KHU CÁCH LY
Nhà nước thực hiện hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày; Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
Đối với trẻ em đang trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly, ngoài mức hỗ trợ nêu trên, được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em.
* Hồ sơ cần chuẩn bị:
i. Đối với các trường hợp F0 đang điều trị tại cơ sở y tế:
a) Danh sách F0 đủ điều kiện hưởng chính sách (Mẫu số 8a tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b) Giấy ra viện điều trị do nhiễm COVID-19 của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
ii. Đối với các trường hợp F1 đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly:
a) Danh sách F1 đủ điều kiện hưởng chính sách (Mẫu số 8a tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyểt định số 23/2021/QĐ-TTg).
b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cách ly y tế.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
iii. Đối với F0 đã kết thúc điều trị tại cơ sở y tế trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành:
a) Giấy ra viện.
b) Biên nhận thu tiền ăn tại cơ sở y tế đã điều trị.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
iv. Đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành hoặc cách ly tại nhà:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về cách ly y tế tại cơ sở cách ly hoặc cách ly tại nhà.
b) Giấy hoàn thành việc cách ly.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
d) Biên nhận thu tiền ăn tại cơ sở cách ly đối với người đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly.
* Trình tự, thủ tục thực hiện:
Bước 1: Lập danh sách, nộp hồ sơ
– Đối với trường hợp đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly: Cơ sở y tế, cơ sở cách ly lập danh sách đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
– Đối với trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở hoặc cách ly tại nhà: Cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, các trường hợp F0, F1 gửi hồ sơ tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.
Bước 2: Trước ngày 05 và ngày 20 hằng tháng, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, lập danh sách đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 3: Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của cơ sở y tế, cơ sở cách ly hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 4: Cơ sở y tế, cơ sở cách ly, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chi trả đầy đủ các chế độ hỗ trợ đối với F0, F1, trẻ em đang điều trị, cách ly theo danh sách được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
7. HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SINH HOẠT TRONG THỜI GIAN PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
Ngày 16/8/2021, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo miễn giảm tiền điện, tiền nước và vận động các chủ cho thuê nhà miễn giảm tiền thuê cho những người lao động gặp khó khăn. Ngoài ra, trong đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng có nhiều chính sách hỗ trợ về lương thực thực phẩm, công tác y tế, thông tin, truyền thông,…
* Chính sách giảm tiền điện:
Ngày 31/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP, thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương tại Văn bản số 453/BC-BCT:
– Đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện: các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30 tháng 7 năm 2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Danh sách các địa phương được hỗ trợ doa Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực)
– Mức hỗ trợ giảm tiền điện:
+ Giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng.
+ Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng.
– Thời gian hỗ trợ: hai (02) tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 năm 2021
* Chính sách hỗ trợ viễn thông:
Ngày 2/8/2021, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, Vietnamobile, FPT,… đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới 10.000 tỷ đồng. Thời gian áp dụng gói hỗ trợ này là từ ngày 5/8/2021 và kéo dài trong 03 tháng. Cụ thể, các nhà mạng đề ra các chính sách tăng băng thông cáp quang, giảm giá đối với các gói cước data nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà; miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với mới giá không đổi. Trong tình trạng áp dụng các biện pháp phòng, chống covid-19, chính sách hỗ trợ viễn thông mang đến nhiều thuận lợi cho người dân trong học tập, giải trí, cập nhật thông tin…
* Chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm, chăm lo sức khoẻ cho người dân
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, việc thực hiện 3 tại chỗ mang đến nhiều bất tiện cho người dân trong đời sống sinh hoạt, nhiều tỉnh thành áp dụng các chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân như tặng rau củ, đi chợ hộ,… Đồng thời, thực hiện xét nghiệm cộng đồng, nhằm truy vết F0, F1, F2 cũng như đảm bảo sức khoẻ của mỗi người dân.
8. TỔNG HỢP MỨC PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG GIAI ĐOẠN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
9. BẢO ĐẢM VÀ TĂNG CƯỜNG AN SINH, XÃ HỘI TRONG MÙA DỊCH
Theo Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Covid-19 là bệnh dịch thuộc nhóm A, do đó, các bệnh nhân đang điều trị dịch bệnh Covid-19 hiện đang được khám và điều trị miễn phí, chi phí khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước chi trả.
Các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, người lao động có trình độ thấp và lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỉ lệ rất lớn (gọi là lao động tự do), dịch bệnh Covid-19 khiến họ phải chịu tác động rất nặng nề, tốc độ suy giảm kinh tế quá nhanh. Do đó, nhóm đối tượng vẫn cần hết sức được chú trọng. Hiện nay, Chính phủ không có quy định hỗ trợ cho các đối tượng này khi họ phải gánh chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Một số địa phương đã có các văn bản hướng dẫn liên quan quy định chính sách hỗ trợ cho người lao động tự do, trình độ thấp, theo đó cần đáp ứng các điều kiện như về thường trú, tạm trú, chứng minh mức thu nhập, thì sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có chính sách này.
10. CHÍNH SÁCH THUẾ, GIẢM PHÍ, LỆ PHÍ
Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2021, thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2021, thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2021…
Cụ thể, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng nêu trên. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong một số ngành kinh tế, lĩnh vực cụ thể được gia hạn chậm nhất đến ngày 31/12/2021.
Đối với tiền thuê đất: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021 đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng quy định nêu trên đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm…
Đồng thời, trong bối cảnh Covid-19, ngành thuế đang thiết lập cơ sở thông tin dữ liệu, sử dụng hệ thống mạng, qua các giao dịch điện tử trực tuyến để thực hiện kê khai và các thủ tục khác trong lĩnh vực thuế, nhằm giúp doanh nghiệp, cá nhân và nhà nước vẫn duy trì các hoạt động liên quan thuế, phí.
Kể từ 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, sẽ tiếp tục gia hạn thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với số giảm thu trong sáu tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng. Chính sách này được quy định tại Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, 30 loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm 10%, 20%, 30%, 50% tuỳ loại.
Việc “chống dịch cũng như chống giặc”, chúng ta cần đoàn kết, đồng lòng tạo nên một thành trì miễn dịch vững chắc. Hãy tin rằng một ngày không xa Việt Nam ta lại đánh bay COVID-19. Do đó, trong thời gian này, mọi người dân đều phải biết rõ các quy định pháp luật trên, nắm bắt thông tin các gói hỗ trợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức. Đồng thời, với tinh thần chiến đấu cao, người dân không được chủ quan, luôn tự ý thức việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch mà cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo; tăng cường sức khoẻ cho bản thân bằng việc ăn uống hợp lý, tập thể dục duy trì thể lực và sức đề kháng tại nhà.
Theo Nguyễn Thị Thanh Thanh Trà – Công ty Luật FDVN
[1] Chính phủ (2014), Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng;
[2] Xem chi tiết tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022;
[3] Thông tin về số liều sử dụng vaccine tại trang Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: https://moh.gov.vn/;
[4] Xem thêm tại Khoản 3 Mục II Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022;
Lưu ý đối tượng ưu tiên tiêm chung là cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp bao gồm cả nhà nước và tư nhân;
[5] Xem thêm tại Quyết định số 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế Ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chúng vắc xin phòng Covid-19;
[6] Xem thêm tại Quyết định số 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế Ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chúng vắc xin phòng Covid-19;
[7] Mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 của Chính phủ Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
[8] Xem thêm tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 Quy định về hoạt động tiêm chủng;
[9] Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
[10] Xem thêm tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019;
[11] Xem thêm tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019;
[12] Xem thêm tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
[13] Khoản 2 Điều 33 Bộ luật Lao động 2019;
[14] Xem thêm tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;
[15] Xem thêm tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
[16] Các ngành, nghề, công việc đặc thù được quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
[17] Xem thêm quy định về trợ cấp thôi việc tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
[18] Các trường hợp nêu trên là thời gian được tính trợ cấp thôi việc, thời gian tại điểm ii, iii và iv không đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017;
[19] Xem chi tiết tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: FDVN CHANNEL