Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú. Việc đăng ký cư trú đầy đủ giúp chính quyền quản lý hành chính dân cư, nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, cũng như vận hành, và phát triển xã hội. Hiện nay theo các quy định của pháp luật thì để thực hiện quyền công dân như quyền bầu cử, ứng cử hoặc hưởng phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục hoặc các quyền nhân thân thân khác đều gắn liền với việc đăng ký cư trú. Vì thế Đăng ký cư trú vừa là nghĩa vụ cũng là quyền lợi thiết thực của mỗi công dân.
Sau đây là 10 vấn đề lưu ý về Đăng ký cư trú của luật cư trú 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
1. ĐẾN NĂM 2023 SỔ HỘ KHẨU, SỔ TẠM TRÚ SẼ HẾT GIÁ TRỊ
Theo quy định tại Điều 24 về Sổ hộ khẩu, Luật Cư trú 2006, như sau:
“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
2. Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại.
3. Bộ Công an phát hành mẫu sổ hộ khẩu và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, đổi, sử dụng, quản lý sổ hộ khẩu thống nhất trong toàn quốc.”
Đồng thời Luật cư trú 2006 cũng quy định trách nhiệm của công dân về cư trú liên quan đến Sổ hộ khẩu như sau tại khoản 4 Điều 11:
4. Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu.
Như vậy theo Luật cư trú 2006 thì mỗi công dân đều gắn liền với sổ hộ khẩu; Trong các thủ tục hành chính trước đây các cơ quan hành chính đều yêu cầu cung cấp bản sao Sổ hộ khẩu, hoặc Sổ tạm trú. Đối với những thủ tục hành chính yêu cầu Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, mặc dù nơi cư trú rõ ràng, và có các giấy tờ khác có thông tin nơi cư trú như: CMT, Hộ chiếu, Căn cước công dân…nhưng không có Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vẫn không thể thực hiện, Dẫn đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú nó không chỉ có giá trị xác nhận nơi cư trú mà nó còn gắn liền với quyền lợi của mỗi người. từ đó tạo ra rất nhiều hạn chế, rào cản cho công dân.
Để xóa bỏ những bất cập đó, Luật Cư trú 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2021 đã xóa bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 cụ thể như sau:
Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 thì:
“Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (tức ngày 01/7/2021), sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.”
Như vậy từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú “giấy” sẽ không còn được sử dụng.
Từ nay cho đến ngày 01/01/2023 Sổ hộ khẩu vẫn được sử dụng và giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, Tuy nhiên nếu bị mất, hỏng sổ hộ khẩu thì không thể yêu cầu cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Từ ngày 01 tháng 07 năm 2021 việc quản lý dân cư của chính quyền sẽ dựa trên thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư đã được xậy dựng, theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cư trú 2020 như sau: “Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.”
2. ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ LÀ NHƯ NHAU TẠI CÁC TỈNH THÀNH TRÊN CẢ NƯỚC, KHÔNG PHÂN BIỆT TỈNH, HAY THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Theo quy định tại Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi năm 2013 thì điều kiện đăng ký thường trú được chia thành điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh và điều kiện đăng ký tại các thành phố trực thuộc trung ương.
Tại khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi 2013, công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, nếu đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên. Riêng tại Hà Nội, theo Khoản, Điều 19 Luật Thủ đô 2012, nếu muốn đăng ký thường trú tại nội thành TP. Hà Nội thì còn phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên.
Đến nay, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Điều kiện đăng ký thường trú, Luật Cư trú 2020 như sau:
“1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.”
Như vậy theo quy định này thì điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương đã bị xóa bỏ. Công dân khi muốn đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng về quyền cư trú của mỗi công dân trên cả nước.
3. DIỆN TÍCH NHÀ THUÊ ÍT NHẤT 8M2/NGƯỜI ĐƯỢC ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ
Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật cư trú năm 2020 về điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở được cho thuê, mượn, cho ở nhờ như sau:
“3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;
b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2sàn/người.”
Như vậy người thuê nhà, mượn nhà, ở nhờ có thể đăng ký thường trú nếu được chủ sở hữu nhà đồng ý cho đăng ký thường trú, và diện tích nhà ở phải đảm bảo từ 08m2 sàn/người. đây là một trong những điều kiện để những người phải thuê nhà trọ có diện tích nhỏ hẹp có thể đăng ký thường trú để tiếp cập đến những phúc lợi xã hội, hoặc thực hiền quyền công dân nơi mình sinh sống.
4. NHỮNG NGƯỜI SINH SỐNG TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN LƯU ĐỘNG NHƯ XE, TÀU THUYỀN…CŨNG ĐƯỢC ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ
Theo quy định tai khoản 6 Điều 20 Luật cư trú 2020 như sau:
“6. Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú;
b) Phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;
c) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.”
Như vậy theo quy định trên những người dùng phương tiện làm chỗ ở, làm nghề lưu động có thể đăng ký thường trú trên chính phương tiện đó nếu là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đồng ý cho đăng ký thường trú; đồng thời phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở; trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn.
Quy định này là cơ hội để những người sinh sống, và làm việc trên phương tiện lưu động như những người bán hàng lưu động, những người nuôi trồng, đánh bắt cá, trên sông, đầm phá, trên biển được đăng ký thường trú trên chính phương tiện mà mình sinh sống. Đây là điều mà trước đây rất khó để thực hiện.
5. ĐI KHỎI ĐỊA PHƯƠNG CẤP XÃ NƠI THƯỜNG TRÚ TỪ 12 THÁNG LIÊN TỤC TRỞ LÊN PHẢI KHAI BÁO TẠM VẮNG
Theo quy định tại điểm c, d Khoản 1 Điều 31 Về khai báo tạm vắng Luật cư trú 2020, từ 01/7/2021,
“c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.”
Như vậy, khi đi khỏi xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không phải bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người đang chấp hành án, người được tha tù trước thời hạn hoặc các trường hợp khác được quy định tại điểm a, b,c Điều 31 Luật Cư trú 2020 và chưa đăng ký tạm trú ở nơi ở mới hoặc không phải xuất cảnh ra nước ngoài thì phải khai báo tạm vắng.
Khi thực hiện việc khai báo tạm vắng thì khoản 2 Điều 31 Luật cư trú 2020 quy định các nội dung như: Công dân có thể khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác. Đối với người chưa thành niên khai báo tạm vắng thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Các nội dung khi thực hiện khai báo tạm vắng gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.
Đây là một quy định mới mà mỗi công dân cần lưu ý thực hiện tránh trường hợp vi phạm quy định bị xóa đăng ký thường trú.
6. KHÔNG THỰC HIỆN VIỆC KHAI BÁO TẠM VẮNG KHI VẮNG MẶT LÂU NGÀY TẠI NƠI THƯỜNG TRÚ CÓ THỂ BỊ XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Xóa đăng ký thường trú Luật cư trú năm 2020 thì:
“d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;”
Như vậy nếu vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Đây là một quy định mới mà mỗi công dân cần lưu ý thực hiện. Trước đây người đi học thường ngại khai báo tạm vắng hoặc đăng ký tạm trú tại nơi ở mới vì nhiều lý do như: ngại thủ tục, hay không khai báo tạm vắng hoặc đăng ký tạm trú ở nơi ở mới cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng từ nay theo quy định mới nêu trên nếu không thực hiện việc khai báo tạm vắng, hoặc đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới thì có thể bị xóa đăng ký thường trú. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh sống của mỗi công dân.
7. BÁN NHÀ, TẶNG CHO NHÀ ĐANG ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CÓ THỂ BỊ XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ
Theo quy định tại Điểm g, h khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020 về xóa đăng ký thường trú nêu rõ:
“g) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này.
h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;”
Theo đó người đã bán nhà ở, tặng cho nhà ở, hoặc chuyển quyền sở hữu nhà ở mà mình đăng ký thường trú cho người khác, sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới sẽ bị xóa đăng ký thường trú trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, mượn, ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ đó.
Ngoài ra khi bán nhà mà không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó thì cũng bị xóa đăng ký thường trú tại địa chỉ đó.
Như vậy người bán nhà cần lưu ý việc đăng ký cư trú, trước khi chuyển quyền sở hữu nhà ở tránh trường hợp bị xóa đăng ký thường trú ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của bản thân và gia đình.
8. VIỆC KHAI BÁO NƠI CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI KHÔNG CÓ THƯỜNG TRÚ, TẠM TRÚ
Tại khoản 1 Điều 19. Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú, Luật cư trú 2020 như sau: “Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.”
Như vậy người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì nơi cư trú là nơi ở hiện tại của người đó.
Trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Đồng thời người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Như vậy khi cần khai báo về nơi cư trú thì người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú thì khai báo nơi cư trú là nơi ở hiện tại của của mình, nếu không có địa điểm cụ thể thì khai nơi cư trú là địa phương cấp xa.Việc cư trú này phải được khai báo với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
9. LƯU TRÚ DƯỚI 30 NGÀY KHÔNG CẦN ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ
Theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định: “Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú”
Như vậy quy định này cho phép người dân chỉ phải đăng ký tạm trú nếu đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên.
10. CÙNG ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ, ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ TẠI MỘT CHỖ Ở HỢP PHÁP THÌ ĐƯỢC THAM GIA BHYT HỘ GIA ĐÌNH
Theo Khoản 2 Điều 37 Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú, Luật cư trú 2020 như sau: “2. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 2 của Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:
“7. Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.”
Như vậy, trước đây thì những người cùng có tên trong Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú mới được tham gia BHYT thì nay những người cùng Đăng ký tạm trú, Đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp được cùng nhau tham gia BHYT hộ gia đình, điều này tạo cơ hội cho nhiều người hơn có cơ hội đóng BHYT.
Theo Lê Quân – Công ty Luật FDVN
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: FDVN CHANNEL